Những làng nghề nồng đượm hương vị Tết
Đậm đà nước mắm Nam Ô
Làng nước mắm Nam Ô (Liên Chiểu) đã có tiếng khắp miền Trung, trở thành đặc sản của thành phố biển Đà Nẵng, đang rộn ràng không khí sản xuất dịp Tết.
Ông Bùi Thanh Phú (Giám đốc Công ty TNHH mắm Hồng Hương, thương hiệu nước mắm Hương Làng cổ), một thương hiệu lớn tại làng nước mắm Nam Ô, cho biết công thức làm nước mắm truyền thống được lưu truyền từ đời ông bà.
Nguyên liệu để làm ra nước mắm được tuyển chọn kỹ càng. Để bảo đảm chất lượng, ông Phú đặt mua cá và muối có chất lượng tốt nhất tại vùng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Loại cá chọn làm nước mắm phần lớn là cá cơm than, kích cỡ vừa phải, không quá lớn cũng không quá bé.
"Làm nước mắm khó nhất là khâu chọn nguyên liệu. Bên cạnh đó những yếu tố như khí hậu, nhiệt độ gió, kỹ thuật che nắng, mưa cho lu mắm… cũng quyết định đến chất lượng nước mắm", ông Phú cho hay.
Vài năm nay, cơ sở làm nước mắm Hương Làng Cổ còn trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm của nhiều du khách trong và ngoài nước. Cùng với việc mở rộng các kênh giới thiệu sản phẩm nước mắm đến với người tiêu dùng khắp cả nước thì tour du lịch trải nghiệm cũng là cách để nhiều người biết và nhớ đến một làng nghề nước mắm Nam Ô có truyền thống hàng trăm năm.
Mỗi mẻ nước mắm kể từ khi ướp ủ cho đến khi ra nước mắm thành phẩm phải mất 12 tháng ròng. "Nghề làm nước mắm vất vả nhưng mình lớn lên nhờ mắm, vì vậy phải giữ lấy cái nghề của cha ông", ông Phú trải lòng.
Rộn ràng bánh tráng Tuy Loan ngày cận Tết
Ghé thăm làng nghề bánh tráng Túy Loan, một trong những làng nghề làm bánh tráng lâu đời nhất, nằm tại làng cổ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), phóng viên được gặp và trò chuyện cùng bà Đặng Thị Tùng (80 tuổi), người có thâm niên trong nghề. Bà chia sẻ, để gìn giữ nghề truyền thống này, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vật chất, góp phần giúp các hộ phát triển nghề, nâng cao năng suất và hiệu quả.
Sản phẩm bánh tráng của làng thường được nướng ăn kèm với món mỳ Quảng hoặc bánh tráng cuốn. Bánh tráng Tuý Loan dày hơn các loại bánh tráng ở nơi khác và chất lượng của bánh tráng được người sử dụng đánh giá rất cao. Bánh tráng Tuý Loan ngày nay không chỉ là món ăn quen thuộc của làng quê mà còn theo chân du khách đi khắp mọi miền Tổ quốc và trở thành một trong các đặc sản của Đà Nẵng.
Được coi là "lão làng" của nghề làm bánh tráng tại Túy Loan, bà Đặng Thị Túy Phong (82 tuổi) chia sẻ: "Thật tình không ai biết rõ nguồn gốc nghề từ lúc nào, từ ai mà chỉ thấy người ta làm rồi mình học hỏi làm theo, từ đời này qua đời khác, cùng nhau giữ gìn nghề, truyền cho con cháu. Cả làng này còn hơn chục hộ giữ nghề. Cứ tới Tết là cả làng rộn ràng, tất bật lắm. Người ta bảo ăn bánh tráng phải dùng bánh Túy Loan mới đúng bài, nên người khắp xứ cứ đến Tết là đặt bánh".
Học nghề của mẹ từ nhỏ, chị Nguyễn Đặng Thái Hoà làm bánh với đôi tay thoăn thoắt. Chị bộc bạch: "Nay mẹ mình đã già yếu nên mình thay mẹ đổ bánh, nối nghiệp mẹ từ 2 năm nay. Đây là nghề đã nuôi sống cả gia đình từ nhỏ nên mình rất trân quý và giữ gìn những bí kíp mà mẹ đã truyền lại để nếu có cơ hội lại truyền cho thế hệ sau".
Cứ thế, những người con xứ miền Trung chân chất, giản dị vẫn kiên trì bám nghề của ông cha, tận tụy học hỏi và phát triển hơn nữa, để những dịp Tết đến xuân về, người người khắp nơi không chỉ miền Trung mà khắp cả nước, thậm chí là nước ngoài, có thể thưởng thức những món ăn đậm đà tình yêu quê hương đó.
Theo Chinhphu.vn