Những nông dân 4.0 ở thành phố mang tên Bác
Làm giàu từ cây lan
Tại buổi gặp mặt do Hội Nông dân TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 3/2022, các thành viên của câu lạc bộ nông dân (ND) sản xuất, kinh doanh giỏi toàn thành phố đã mang nhiều sản phẩm được sản xuất theo quy trình CNC để giới thiệu tới đông đảo mọi người. Đó là những quả xoài của huyện Cần Giờ trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; dưa leo, cà chua bi trong nhà lưới của ND quận Bình Tân; rau mầm và rau ăn lá thủy canh từ TP.Thủ Đức; các loại hoa lan của ND huyện Bình Chánh, TP.Thủ Đức…
Trong suốt 2 năm nay, trong bối cảnh toàn cầu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp và nông dân TP.HCM phải đối mặt với thách thức khi nhiều chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra bị đứt gãy, hàng hóa khó tiêu thụ, sức mua giảm; việc rót vốn đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm gặp vô vàn khó khăn. Nhưng nhờ ứng dụng CNC trong sản xuất, chủ động về cây giống, con giống và liên kết thông qua các mô hình HTX, giới thiệu sản phẩm vào hệ thống chợ, siêu thị… nên tình hình sản xuất nông nghiệp của thành phố đã có những chuyển biến tích cực.
Đáng chú ý là sự xuất hiện của nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, chấp nhận rủi ro để hướng tới những mô hình nông nghiệp CNC, vừa cung cấp sản phẩm sạch, an toàn ra thị trường, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Nói đến mô hình trồng hoa lan CNC phải kể đến tỷ phú nông dân Trần Thị Ngọc Thảo ở huyện Bình Chánh với việc đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng và tự nuôi cấy mô để không bị động nguồn cung giống hoa lan. Sau 10 năm trồng hoa lan trên đất phèn xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP. HCM), tỷ phú trồng hoa lan - chị Trần Thị Ngọc Thảo đang là hạt nhân, góp phần phát triển cây lan Dendrobium thành một trong những đặc sản nông nghiệp đô thị của thành phố.
Vợ chồng chị Thảo có tổng cộng 12.000m2 diện tích trồng lan ở xã Đa Phước. Vườn lan luôn duy trì trên dưới 200.000 chậu với khoảng 40 màu sắc các loại. Mỗi năm, anh chị xuất bán khoảng 300.000 cây lan nguyên chậu, doanh thu trung bình 4- 4,5 tỷ đồng.
Chị Thảo dự định sẽ mở rộng diện tích thêm 5.000m2 để làm nhà màng nuôi cây con, hướng tới mục tiêu cung cấp giống lan Dendrobium cho các nhà vườn. Chị cũng vạch kế hoạch làm tiểu cảnh, phối hợp cùng Hội ND địa phương xây dựng tour du lịch sinh thái quanh Bình Chánh theo hướng đưa khách tham quan từ vườn lan, qua các vườn mai, cây kiểng, bưởi da xanh…
Không chỉ lo phát triển vườn lan riêng mình, với vai trò là một cán bộ Hội ND xã, chị Thảo còn khuyến khích bà con nông dân đổi mới phương pháp canh tác nông nghiệp, khuyến khích chuyển sang mô hình nông nghiệp đô thị kinh tế cao. Hiện nay, xã Đa Phước đã thành lập HTX Hoa lan Đa Phước gồm bảy nhà vườn trồng hoa lan, trong đó vườn lan Sơn Hà của chị Thảo đã hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ nguồn cung cấp giống, phân bón, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng như hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho các thành viên.
Trồng rau không cần đất
Tổ hợp tác (THT) rau thủy canh An Nông Farm được thành lập từ tháng 5/2018 gồm 8 thành viên, tại phường An Phú Đông, quận 12. Đây là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên ở phường An Phú Đông ứng dụng công nghệ cao trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel.
Với nguồn vốn 1,8 tỷ đồng, THT rau thủy canh An Nông Farm đầu tư nhà lưới, hệ thống làm mát, tưới phun sương, kèm hệ thống cung cấp dinh dưỡng tự động. Bên cạnh đó, THT cũng đầu tư thiết bị giám sát chất lượng nguồn nước, chất lượng môi trường, kiểm soát nồng độ dinh dưỡng. Nhờ đó, kiểm soát được sâu bệnh, chất lượng sản phẩm cao, đồng đều, rau bảo quản được lâu và tiết kiệm chi phí nhân công.
Hiện, THT rau thủy canh An Nông Farm trồng trên 10 loại rau, mỗi tháng cung cấp ra thị trường 2 tấn rau. “Với ưu điểm tươi ngon, an toàn cho sức khỏe và có thể bảo quản lâu trong tủ lạnh, các sản phẩm rau sạch thủy canh của An Nông Farm hiện ngoài cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng rau sạch trên địa bàn. An Nông Farm còn là nguồn cung cấp chính cho một số bệnh viện quốc tế trên địa bàn thành phố. Việc cung cấp rau cho các bệnh viện quốc tế trước hết đòi hỏi phải đảm bảo được chất lượng, độ an toàn được kiểm định rất kỹ, vì thế chúng tôi yên tâm khi nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của các đối tác này” - anh Lực chia sẻ.
Lãnh đạo Hội ND quận 12 cho biết: THT rau thủy canh An Nông Farm là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên ở phường An Phú Đông triển khai trồng rau thủy canh nông nghiệp CNC. Mô hình được chọn làm điểm để Hội ND nhân rộng trên địa bàn phường An Phú Đông, nhằm giải quyết nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân thành phố và chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nông nghiệp đô thị.
Được biết, thời gian qua, Hội ND quận 12 chủ động phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề theo đúng nhu cầu của hội viên ND, để giúp cho hội viên, nông dân chọn lựa cho mình mô hình sản xuất phù hợp. Cùng với dạy nghề, Hội còn tổ chức đưa hội viên ND đi tham quan, học tập các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành khác.
Mạnh dạn đầu tư và quyết tâm theo đuổi mô hình nông nghiệp CNC như chị Thảo, THT rau thủy canh An Nông Farm cũng là tinh thần chung của Hội ND các cấp. Bà Nguyễn Thanh Xuân - Chủ tịch Hội ND TP.HCM đề nghị Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi mạnh dạn nghiên cứu, thực hiện và nhân rộng những mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp đô thị, tham gia sản xuất nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiềm năng (rau, hoa, cây cảnh, tôm nước lợ, cá cảnh…). Từ đó giúp nông dân nâng cao thu nhập, cùng góp sức hoàn thành một trong 12 chương trình trọng điểm mà Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra - chương trình phát triển giống cây, giống con và nông nghiệp CNC giai đoạn 2020-2030.
“Khi triển khai mô hình trồng rau thủy canh theo chủ trương của thành phố, các thành viên của THT được Trung tâm Khuyến nông và Hội ND TP.HCM chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, tư vấn địa chỉ mua phân bón, vật tư nông nghiệp chất lượng. Từ đó có thể lập vườn rau thủy canh, sản xuất đảm bảo năng suất, chất lượng để cung cấp cho thị trường”.
Anh Võ Hoàn Lực - Tổ trưởng THT rau thủy canh An Nông Farm.