Sống khỏe

Những thực phẩm nên và không nên ăn khi bị viêm khớp

13:07 03/04/2024 GMT+7
Chế độ ăn kiêng dành cho người bị viêm khớp sẽ góp phần giúp giảm viêm, giảm đau và cứng khớp, tăng khả năng vận động và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Viêm khớp là một tình trạng mạn tính phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người. Mặc dù không có cách nào chữa khỏi triệt để nhưng chế độ ăn kiêng dành cho bệnh nhân viêm khớp có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số yếu tố trong chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh viêm khớp. Do đó, cần phải biết những thực phẩm nên ăn và tránh để cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp kiểm soát cơn đau khớp.

Ảnh: Shutterstock

Thực phẩm cần tránh khi bị viêm khớp

Một số loại thực phẩm tốt nhất nên tránh trong chế độ ăn của bệnh nhân viêm khớp do chúng có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng viêm, đau khớp và các triệu chứng khác của viêm khớp. Dưới đây là danh sách các loại thực phẩm cần hạn chế hoặc tránh hoàn toàn:

Thực phẩm chế biến: Thực phẩm chế biến sẵn, như đồ ăn nhẹ có đường và thức ăn nhanh, thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa cao, có thể gây viêm và tăng cân. Ngoài ra, đồ uống có đường như soda cũng gây tăng cân và căng thẳng khớp.

Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn: Những loại thịt này chứa nhiều chất béo bão hòa, gây viêm và làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp.

Ngũ cốc tinh chế: Ngũ cốc tinh chế và các sản phẩm như bánh mì trắng, bánh quy, bánh ngọt và các sản phẩm từ lúa mì có chỉ số đường huyết cao, có khả năng làm tăng tình trạng viêm.

Rượu: Các nghiên cứu trên động vật cho thấy tiêu thụ quá nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến khớp và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn trên người để chứng minh tuyên bố này.

Muối: Chế độ ăn nhiều natri sẽ góp phần gây viêm và làm tăng nặng tình trạng sưng khớp.

Ảnh: Shutterstock

Thực phẩm giúp kiểm soát các triệu chứng viêm khớp

Cá béo: Cá thu, cá hồi, cá mòi rất giàu axit béo omega-3, có tác dụng chống viêm mạnh và ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh viêm khớp.

Quả mọng: Các loại quả mọng như việt quất và dâu tây có chứa chất chống oxy hóa như anthocyanin. Những chất chống oxy hóa này giúp chống viêm và bảo vệ các mô khớp. Chúng cũng giúp trung hòa các gốc tự do.

Rau lá xanh: Các loại rau lá xanh như cải bó xôi, cải xoăn có nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa hỗ trợ sức khỏe khớp.

Rau cải bó xôi chứa chất chống oxy hóa như kaempferol và chất xơ giúp giảm viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp.

Các loại hạt: Quả óc chó, hạt lanh và hạt chia là nguồn cung cấp chất béo omega-3 và chất xơ dồi dào, có thể giúp giảm viêm và các triệu chứng viêm khớp.

Gia vị: Gừng, tỏi, quế, nghệ, nghệ tây có đặc tính chống viêm. Chúng ức chế sự kích hoạt của các enzyme, như cyclooxygenase, và các con đường truyền tín hiệu tiền viêm cụ thể để giảm viêm và đau khớp.

Dầu ô liu: Dầu ô liu nguyên chất có đặc tính chống viêm. Nó chứa chất chống oxy hóa và chất béo không bão hòa đơn.

Theo một nghiên cứu trên động vật, sử dụng dầu ô liu nguyên chất trong sáu tuần có thể ngăn chặn sự phát triển và tiến triển của bệnh viêm khớp, đồng thời giảm viêm, sưng tấy và phá hủy sụn.

Ngũ cốc nguyên hạt: Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, diêm mạch và yến mạch giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm viêm nhiễm vì chúng giàu chất xơ và chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe tổng thể.

Đậu hạt và các loại đậu: Các loại đậu như đậu lăng, đậu đỏ, đậu pinto (đậu cúc), đậu xanh rất giàu chất chống oxy hóa, chất xơ và protein, có thể giúp kiểm soát cân nặng và kiểm soát tình trạng viêm.

Sữa ít béo: Sữa chua và sữa ít béo cung cấp canxi và vitamin D để hỗ trợ xương chắc khỏe. Chúng giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh viêm xương khớp đầu gối ở phụ nữ.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác