Xã hội

Nỗi niềm của nhiều phụ huynh trước ngày tựu trường

Bích Thủy - 07:39 05/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nỗi lo tìm lớp học hè mới tạm lắng xuống thì các bậc phụ huynh lại tiếp tục “quay cuồng mua sắm” chuẩn bị cho năm học mới. Tại nhiều bản làng, giáo viên, cán bộ thôn, bản lại đến từng gia đình vận động cho các cháu đến trường.

Hàng trăm nỗi lo
Là huyện miền núi với với tỉ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50%, huyện Hướng Hoá vào thời điểm này, không khí mua sắm tại nhiều nhà sách, cửa hàng bán văn phòng phẩm vẫn hết sức ảm đạm. Những năm gần đây, mỗi năm, giá sách giáo khoa, tập, đồ dùng học tập đều tăng từ 10-15%. Ước tính, để mua tập, sách, các dụng cụ thiết yếu cho 1 học sinh phải tốn khoảng 500.000 - 700.000 đồng, đó là chưa kể đến việc mua sắm quần áo, giày dép,... Tuy số tiền trên đối với những gia đình khá giả thì cũng khá bình thường nhưng đối với nhiều gia đình khó khăn thì phụ huynh vẫn không khỏi lo âu, nhất là đối với những gia đình có đến 3, 4 người con đang đi học. 

Cô Hồ Thị Hạnh (thứ hai, bên trái - giáo viên Điểm trường mầm non thôn Cheng – Trường mầm non xã Tân Liên) tới từng nhà vận động phụ huynh để các em được đến trường.
Chị Hồ Thị Lan ở xã Ba Tầng cho biết: “Cứ đến gần năm học mới là phụ huynh lại lo lắng nào tiền học phí, tiền đồng phục, tập sách, nào các khoản đóng góp đầu năm. Năm nay, mới chỉ mua quần áo, tập sách và đồ dùng học tập cho 2 đứa nhỏ gần 1,5 triệu đồng. Gia đình tôi thu nhập thấp, ai thuê gì làm đó, cả nhà chỉ được vài sào sắn với ngô nên cứ đầu năm học là chật vật lắm, nhưng dù khó khăn đến đâu vợ chồng chúng tôi vẫn cố gắng để cho con đi học với mong muốn sau này thoát nghèo !”.
Cợ chồng chị Đoàn Thị Đoài, ở xã Hướng Tân cũng cho biết: “Hai vợ chồng tôi ruộng vườn rất ít nên chồng phải đi làm thêm nghề thợ xây, còn tôi thì kiếm con cá con tôm mua đi bán lại ở chợ làng nên kinh tế khá khó khăn. Đứa con trước năm nay đã học lớp 5 nên cũng chỉ lo việc sắm sửa đồ dùng cùng quần áo. Riêng đứa nhỏ khiến tôi lo lắng nhất vì năm nay cháu sẽ lên lớp 1, mới lo học Hè cho cháu xong, giờ lại lo lắng cháu đi học môi trường mới sẽ không theo kịp bạn bè”.
Cũng có con năm nay chuẩn bị vào lớp 1, chị Nguyễn Thị Vân ở xã Hướng Tân chia sẻ: “Nếu mùa Hè đến, tôi phải tìm chỗ học cho con vì bố mẹ đi làm không có người trông. Đến năm nay con vào lớp 1, tôi cần phải chuẩn bị thêm nhiều thứ khác nữa, đây là đứa con đầu nên khá lo lắng vì trước học mẫu giáo cháu rất vô tư, chỉ ăn chơi là chủ yếu, giờ phải vào môi trường giáo dục nghiêm khắc hơn nên mình rất cũng sợ con sẽ khó thích nghi”.
“Sợ cháu lên học lớp 1 sẽ không theo kịp với bạn bè nên tôi đã kiếm lớp cho cháu đi học viết chữ, học toán. Dù thấy cháu khá chăm ngoan, hứng thú trong việc học, cũng có trách nhiệm với những bài tập mà cô giáo cho làm về nhà nên cũng thấy vui, nhưng vẫn cứ lo vì cháu vẫn ham chơi” - chị Vân thông tin.
Vận động từng nhà để cháu nào cũng được đến trường
Thôn Cheng (xã Tân Liên, huyện Hướng Hoá) là vùng có 100% người đồng bào dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều sinh sống, chủ yếu là hộ nghèo nên hầu hết người dân phải cặm cụi nương rẫy để lo cái ăn, cái mặc đeo bám từng ngày. Vì vậy, nhận thức của phụ huynh về việc học còn nhiều hạn chế, thế nhưng với nghề “gieo mầm” các cô giáo đã không ngần ngại cùng chính quyền địa phương đến tận nhà vận động các cháu đến trường.
Cô Hồ Thị Hạnh (31 tuổi, giáo viên Điểm trường mầm non thôn Cheng – Trường mầm non xã Tân Liên) tâm sự: Trước đây, cô dạy ở trường mầm non miền núi xã Hướng Lộc, năm 2019, cô chuyển về điểm Trường mầm non thôn Cheng, nơi đây với điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thế nhưng bản thân đã chọn và đam mê với nghề nên cứ thấy các em tươi cười vui đùa, mình càng thêm yêu nghề, lại thích sự hồn nhiên vô tư, trong sáng của con trẻ. Chính vì vậy, hàng năm, cô vẫn thường xuyên tham gia đi vận động từng nhà để các cháu được đi học đầy đủ.
Ông Nguyễn Quang - Trưởng thôn Cheng cho biết: Thôn có 117 hộ thì có tới 110 hộ nghèo và cận nghèo, người dân sống nhờ vào nương rẫy để lo cái ăn hằng ngày, nên việc đóng tiền ăn cho các cháu mầm non là một điều hết sức khó khăn chứ chưa nói đến việc mua sắm áo, quần, sách vở, đồ dùng cho các cháu khi năm học mới bắt đầu. Chính vì thế, cán bộ thôn và các giáo viên lại đến từng nhà động viên phụ huynh để các cháu được đến trường.
Theo ông Quang, trước đây thôn Cheng thuộc xã Húc (huyện Hướng Hóa). Vào năm 1993, thôn Cheng được sáp nhập vào xã nông thôn mới Tân Liên, mặc dù thôn Cheng có điều kiện hết sức khó khăn nhưng lại thuộc xã nông thôn mới (xã Tân Liên không phải là xã khu vực III) nên không được hưởng chế độ, chính sách đối với xã, thôn đặc biệt khó khăn và cũng không được hưởng các chế độ chính sách người đồng bào thiểu số khác của huyện. 
“Thiếu điều kiện kinh tế lại không được hưởng chế độ chính sách, đối với những người đồng bào nơi đây dù chỉ 10 ngàn đồng tiền ăn hàng ngày của các cháu cũng là điều hết sức khó khăn. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh nhiều lần phụ huynh đưa các cháu tới trường nhưng lại không có tiền đóng nên đòi đưa cháu về. Mặc dù với đồng lương ít ỏi còn phải lo cho gia đình nhưng các cô giáo ở đó phải tự bỏ tiền túi ra để đóng cho các cháu, tôi lại thấy ngẹn lòng” - ông Quang chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Quang - Trưởng thôn Cheng thường xuyên đến từng nhà thăm hỏi, động viên các cháu đến trường.
Cô Nguyễn Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Liên cho hay: Để chăm lo cho các cháu, hàng năm các cô cứ nghe ngóng nơi nào có mạnh thường quân tặng sữa, tặng cơm, cặp sách,.. thì lại tìm cách chạy đi xin cho các cháu. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có mạnh thường quân hay nhà hảo tâm giúp đỡ, nên nhiều lần các cô lại tự bỏ tiền túi đóng góp để các em có được bữa cơm trưa. Không những vậy, cô Hồng cùng các cô phải thường xuyên đến từng nhà vận động, động viên phụ huynh cho các cháu đi học, mặc dù vất vả nhưng hạnh phúc khi các cháu đi học chăm ngoan, đi học đầy đủ”.
Với lòng nhiệt huyết và tinh thần nghề nghiệp, quan tâm và yêu thương đối với học trò nghèo nơi vùng bản, cô Hồng, cô Hạnh và còn nhiều các thầy cô giáo ở từng cấp học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn luôn từng ngày nỗ lực, vượt gian khó để “gieo mầm” nơi bản làng khó khăn. Từ đó góp phần vun đắp, tạo tiền đề để các cháu vượt qua những khó khăn, mạnh mẽ xây dựng tương lai tốt đẹp hơn, “gieo mầm xanh tốt” để bản làng sớm thoát nghèo vươn lên”. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác