Nông dân Đăk Nông áp dụng phương pháp trồng xen canh để tăng cao thu nhập
Gia đình anh Đỗ Đăng Bình, ở thôn Phú Tiến, xã Đắk Nang (Krông Nô) có 5 ha trồng cà phê. Những năm gần đây, anh đã trồng xen 600 cây sầu riêng, 600 cây bơ 034 và một số cây xoài, ổi, sapoche…
Để việc chăm sóc mô hình đa cây thuận tiện, anh tìm tòi, học hỏi và áp dụng khoa học kỹ - thuật vào sản xuất giúp cây trồng phát triển tốt, đạt năng suất cao. Với việc trồng đa cây giúp anh Bình tiết kiệm được quỹ đất, đem nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Đồng thời anh đã áp dụng hệ thống tưới nước tự động. Cây nào cần nước nhiều thì anh tưới nhiều. Các loại cây cần ít nước anh dùng hệ thống tưới nhỏ giọt.
Để giảm thiểu chi phí đầu tư, anh Bình dùng phân chuồng, các loại phân vi sinh để bón cho cây. Điều này cũng giúp anh cải thiện tình trạng bạc màu đất, cung cấp đủ chất dinh dưỡng để cây phát triển xanh tốt hơn.
Nhờ đó mỗi vụ thu hoạch như vụ mùa năm nay anh Bình có trên 50 tấn cà phê tươi, đồng thời anh dự kiến sẽ thu được 15 tấn sầu riêng, trên 20 tấn bơ..., với tổng thu nhập gần 1,5 tỷ đồng.
Anh Bình chia sẻ: “Với mô hình đa cây bước đầu giúp tôi ổn định thu nhập. Quan trọng hơn là tôi có thể ứng phó được với sự biến động thất thường của giá cả thị trường”.
Từ cách làm của anh Bình, UBND xã Đắk Nang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, hướng tới sản xuất đa cây, đa con để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.
Còn gia đình ông Nguyễn Trung Nam, ở thôn Lương Sơn, xã Nam Xuân (Krông Nô) cũng trồng xen cây dổi ghép trên 1 ha cà phê. Hiện nay, sản phẩm hạt dổi của gia đình ông Nam được doanh nghiệp bao tiêu với giá hơn 800.000 đồng/kg hạt khô.
Ông Lữ Văn Kéo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ gia vị - ẩm thực Nam Xuân cho hay, HTX đã hướng dẫn người dân thực hiện trồng xen canh cây dổi với cây cà phê, hồ tiêu để tăng thu nhập.
Tuy nhiên, HTX cũng khuyến cáo bà con không vì lợi nhuận trước mắt mà phá bỏ các loại cây trồng hiện có để chuyển sang trồng dổi một cách ồ ạt.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh Đăk Nông, việc trồng xen canh còn có tác dụng giúp hạn chế được hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất. Các xác bã thực vật từ cây xen canh sẽ cung cấp từ 24-26% hàm lượng chất hữu cơ trong đất.
Qua thực tế sản xuất, ở các nhà vườn áp dụng biện pháp xen canh đã giúp cho năng suất cà phê tăng cao. Biện pháp này còn góp phần cải thiện môi trường đất, che bóng, chắn gió cho vườn cà phê.
Bên cạnh đó, còn giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác (tăng từ 3 - 5 lần so với trồng thuần).
Cũng theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, năm 2022, bình quân lợi nhuận 1 ha đất trồng thuần cà phê là 42,4 triệu đồng/ha, còn trồng xen với cây trồng khác là hơn 65 triệu đồng/ha.
Trong đó, cà phê trồng xen với cây điều đạt lợi nhuận 85 triệu đồng/ha; với hồ tiêu đạt 75 triệu đồng/ha; với sầu riêng đạt 145 triệu đồng/ha; với bơ đạt lên 90 triệu đồng/ha; với các loại cây trồng khác đạt từ 70 – 100 triệu đồng/ha.
Lợi nhuận từ các vườn cà phê trồng xen canh với cây trồng khác tăng lên từ 30% trở lên so với trồng thuần. Một phần tăng lợi nhuận là nhờ giảm chi phí sản xuất, tăng nguồn thu.
Việc trồng xen còn tăng hiệu quả cao hơn ở những vùng mà nông dân áp dụng biện pháp kỹ thuật hợp lý, tuân thủ định hướng phát triển cây công nghiệp, cây ăn trái của địa phương.
Hiện toàn tỉnh Đắk Nông có 139.932 ha cà phê. Trong đó, diện tích trồng xen canh đạt 53.174 ha. Cụ thể, diện tích cà phê có trồng cây điều là 5.879 ha, hồ tiêu 29.000 ha, cao su 485 ha, sầu riêng 7.311 ha, bơ 5.062 ha…