Phong trào nông dân

Nông dân đất Võ chung tay bảo vệ môi trường

Đào Minh Trung - 07:04 04/02/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Nhằm phát huy tinh thần và trách nhiệm của hội viên nông dân trong tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bình Định đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia, hưởng ứng nhiều hoạt động bảo vệ môi trường.
Hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường năm 2022 ở Thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm 2022, xây dựng thêm 163 mô hình bảo vệ môi trường

Nhằm nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, hàng năm, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh có văn bản chỉ đạo, triển khai các hoạt động Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn; phân bổ chỉ tiêu thi đua mỗi cơ sở Hội xây dựng 1 mô hình bảo vệ môi trường, phát động 100% chi hội đăng ký thực hiện mô hình tuyến đường tự quản.

Bà Lê Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Định cho biết, Hội ND tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao năng lực, trách nhiệm về bảo vệ môi trường nông thôn, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và thích ứng biến đổi khí hậu cho hội viên nông dân. Trong năm 2022, Hội ND các cấp đã tổ chức 6 lớp truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về tác hại của ô nhiễm môi trường nông thôn, tại An Lão, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Vân Canh, Quy Nhơn; 2 lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Phù Cát và Tuy Phước; tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm tại Hoài Ân, Phù Mỹ, An Nhơn, Tuy Phước...

Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực phát động và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như ra quân bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng ngõ xóm, các tuyến đường tự quản do đơn vị đảm nhận; trồng và chăm sóc các loại hoa, cây xanh trên các tuyến đường nông dân tự quản, trong khuôn viên, diện tích nhà ở, nhà văn hóa thôn; hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Đất ngập nước, Ngày Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường Thế giới, tháng hành động về môi trường và chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...

Năm 2022, Hội ND tỉnh Bình Định còn nỗ lực hướng dẫn xây dựng mới 163 mô hình Hội ND tham gia bảo vệ môi trường, đạt 107,95% so với chỉ tiêu tỉnh Hội giao và đạt 652% so với chỉ tiêu Trung ương Hội giao. Tổng số mô hình hiện có là 663 mô hình và có hơn 10.636 bể chứa rác thải ngoài đồng ruộng, bể thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Như vậy, trong năm 2022 Hội Nông dân tỉnh Bình Định đã hoàn thành mục tiêu 100 % Hội ND xã, phường, thị trấn trong tỉnh có công trình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường” ở cơ sở, làm sạch từ ngõ ra đồng ruộng. 

Đi đôi với bảo vệ môi trường nông thôn, Hội Nông dân tỉnh Bình Định còn chú trọng vận động hội viên nông dân chung tay dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường ven biển.

Hoạt động bảo vệ môi trường biển ở Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Bảo vệ môi trường biển để phát triển bền vững

Là địa phương có lợi thế về phát triển kinh tế biển, vì vậy các cấp chính quyền ở Bình Định đã xác định: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh”. Những năm gần đây, Bình Định đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, với các hoạt động đầu tư phát triển du lịch biển và dịch vụ biển; phát triển kinh tế hàng hải; phát triển lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản theo hướng phát triển bền vững, cùng với đó là tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường. 

Để góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Bình Định, và thực hiện sự chỉ đạo của Hội ND cấp trên, Hội ND Thành phố Quy Nhơn đã triển khai các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường biển. Cụ thể, năm 2022, Hội ND thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức của cán bộ, hội viên về bảo vệ môi trường biển, bảo vệ rùa biển; tổ chức treo pa - nô để tuyên truyền trực quan, vận động người dân và du khách bỏ rác đúng nơi quy định; tổ chức ra quân bắt sao biển gai (một loại sinh vật ăn san hô), phối hợp tổ chức các đợt quan trắc bảo vệ rạn san hô. Ngoài ra, Hội ND còn cử cán bộ và hội viên tham gia Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả đặt phao tiêu, biển báo tại các khu vực có rạn san hô để ngăn tàu thuyền đi vào, tạo môi trường san hô tốt cho các loài thủy sản trú ấn và sinh sản, góp phần duy trì tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản, cân bằng hệ sinh thái môi trường biển.

Không chỉ có vậy, Hội ND Thành phố Quy Nhơn còn hỗ trợ Hội cơ sở ở ven biển như xã Nhơn Lý, xã Nhơn Hải, xã đảo Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng tổ chức vận động ngư dân phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải nhựa, không vứt rác xuống biển (1 tuần/lần). Hội còn tổ chức cuộc thi vẽ tranh ảnh, bích họa tại khu vực bờ kè biển, ra quân dọn dẹp vệ sinh các bãi tắm, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. 

Thị xã Hoài Nhơn cũng là địa phương có lợi thế bờ biển dài 23km với 2 cửa sông lớn, thời gian qua, Hội ND Thị xã Hoài Nhơn cũng đã tập trung công tác truyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường biển, hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái biển do quá trình khai thác, sản xuất gây ra. Năm 2022, Hội ND Thị xã Hoài Nhơn xây dựng 3 mô hình “Nông dân tham gia dọn dẹp vệ sinh bờ biển”, đã huy động hơn 3.000 ngày công lao động ra quân “Ngày Chủ nhật xanh ”...  

“Với quyết tâm của chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Hội Nông dân các cấp trong tỉnh, công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hội viên, nông dân, ngư dân và cộng đồng; chính vì vậy, đóng góp vào sự phát triển du lịch, kinh tế bền vững ở địa phương”.
Bà Lê Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội ND Bình Định.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác