Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Nông dân Gia Lai làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao

Duy Khôi - 07:02 16/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã tích cực vận động hội viên nông dân tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn. Từ đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư bài bản, khoa học xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng rau quả trong nhà lưới của người dân huyện Mang Yang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đức Thụy

Những điển hình nông dân 4.0

Với mô hình xen canh sầu riêng trong vườn cà phê, ông Hà Đăng Thuận (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ông Thuận cho biết: Với diện tích 4,6ha đất ông trồng 500 cây sầu riêng xen canh trong vườn cà phê. Ông Thuận chọn giống Monthong của Thái Lan để trồng vì giá trị kinh tế, chất lượng quả và thị trường tiêu thụ dễ hơn so với nhiều các giống sầu riêng khác.

Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của mình, ông Thuận cho biết: Khi chưa ứng dụng công nghệ hiện đại, gia đình ông thường phải thuê nhiều lao động chăm sóc, thu hoạch cây trồng. Vậy nhưng, khi thu hoạch thường bị thương lái ép giá. Từ khi ứng dụng công nghệ hiện đại, gia đình ông Thuận biết rõ nhiệt độ trong vườn cây, độ ẩm của hạt cà phê, thấy rõ những gì trong vườn nhà, chỉ ra vườn rẫy khi thật cần thiết… Nhờ thế mà tiết giảm nhân công; năng suất, sản lượng, giá trị các loại sản phẩm nông nghiệp tăng đều hàng năm. Năm 2022, gia đình ông thu hơn 2 tỷ đồng từ sầu riêng, mít, bơ, cà phê… Ông còn được bầu làm Tổ trưởng Tổ hội nông dân trồng sầu riêng xã Ia Pếch và được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Ông Thuận cho biết: Năm 2023, gia đình ông tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường đầu tư chăm sóc sầu riêng Monthong Thái Lan, liên kết sản xuất kinh doanh với các đối tác để tiến tới xuất khẩu.

Còn anh Đinh Quang Tuấn (tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cũng đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Anh dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị di động khác để kết nối, điều khiển hệ thống tưới nước tự động tiết kiệm cho vườn dâu tây, nhà lồng gieo trồng những loại rau thủy canh, dưa lưới ruột xanh… Hệ thống này không chỉ cung cấp nguồn nước vừa đều khắp, vừa đủ số lượng cần thiết cho vườn cây mà toàn bộ phân bón sử dụng đều được hòa tan qua hệ thống tưới tự động tiết kiệm để chăm sóc cho vườn cây đạt hiệu quả. Anh Tuấn chia sẻ: “Khi ứng dụng công nghệ hiện đại, người nông dân ngồi một chỗ cũng có thể nâng cao được những kiến thức, làm việc có hiệu quả với các đối tác. Hữu ích, thiết thực như vậy nên nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư vào xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị khép kín trong nông nghiệp”.

Nữ tỷ phú nông dân Nguyễn Thị Thảo (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cũng là 1 trong những điển hình nông dân 4.0 ở Gia Lai. Hiện chị Thảo đang trồng hơn 3ha cà phê, năng suất đạt 55- 60 tấn quả tươi/năm. Mô hình trồng cà phê của chị đang áp dụng phương pháp canh tác theo chu trình 4C.

Để xây dựng thương hiệu cũng như quảng bá sản phẩm Cà phê Thảo Hiên, chị đã đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Kết quả, 5 sản phẩm cà phê Mộc đặc biệt, cà phê hạt pha máy Espresso, cà phê túi lọc, cà phê bột rang xay phin đậm, hạt điều rang muối của chị đều đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.  

“Gia Lai hiện có hơn 184.000 hội viên nông dân, trong đó hơn 64.000 hộ hội viên sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hầu hết cán bộ, hội viên đã kết nối với các website, Fanpage, Zalo, Facebook... của các tổ chức Hội và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh”
Ông Võ Anh Tuấn
Chủ tịch Hội ND tỉnh Gia Lai.

Đa dạng hình thức hỗ trợ hội viên nông dân

Ông Võ Anh Tuấn- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai cho biết: Để khích lệ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ, nhiều phong trào của Hội Nông dân như cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, hội nghị, hội thảo tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi… đã được phát động. Cùng với đó, những chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tín dụng được quan tâm nhằm tạo nguồn lực cho nông dân khi xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có đầu tư công nghệ. 

Cụ thể về vốn vay, các cấp Hội đã phát huy hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT. Năm 2022, các cấp Hội đã tạo điều kiện cho hơn 65.400 lượt hộ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng thông qua 723 tổ liên kết, 1.035 tổ vay vốn với tổng dư nợ trên 4.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt gần 49 tỷ đồng, giải quyết cho hàng ngàn hộ vay thông qua các mô hình, dự án.

Trong năm 2022, các cấp Hội đã đứng ra tín chấp trên 8.494 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông dân; phối hợp tổ chức 685 lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo cho gần 33.000 lượt hội viên nông dân tham gia; phối hợp tổ chức 87 lớp đào tạo nghề cho 2.444 lượt người và giải quyết việc làm cho 1.953 lao động nông thôn.

Về hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai cho hay: Năm 2022, Hội đã tổ chức thành công Hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” lần thứ Nhất với 113 sản phẩm của hội viên nông dân đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Hội thi nhằm tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường và động viên, khích lệ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng liên kết chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục hỗ trợ hội viên nông dân đưa nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn và tổ chức các phiên chợ giới thiệu nông sản an toàn đến với người tiêu dùng.

Việc phát huy hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đã tạo động lực thi đua sôi nổi trong hội viên, góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, tập huấn chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thời đại 4.0, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm. Tham gia đưa nông dân lên sàn giao dịch điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử Potsmat.vn, đổi mới sáng tạo, hội nhập và quyết tâm tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác