Nông dân huyện Cư M’gar áp dụng công nghệ tưới tự động cho cây trồng
Năm 2021, anh Đoàn Văn Trung ở xã Ea Drông, huyện Cư M’gar áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống nhỏ giọt trên toàn bộ diện tích cây trồng hiện có. Nhờ đó lượng nước tiết kiệm được khoảng 50%, mặt khác cách tưới này cũng giúp đưa lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được hòa tan thẩm thấu dần dần vào rễ cây trồng, giúp cây hấp thu nhanh hơn. Nhờ đó, lợi nhuận cũng tăng lên đáng kể.
Gia đình ông Phạm Ngọc Hà, cũng ở xã Ea Drông vào năm 2019 đã đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho toàn bộ khu vườn của gia đình. Theo ông, phương pháp làm hệ thống tưới nước nhỏ giọt giúp hạn chế được tình trạng xói mòn đất, giữ độ ẩm lâu cho đất, giúp cây trồng phát triển tốt hơn so với cách tưới, bón truyền thống. Nhờ áp dụng kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt, trong những năm qua, diện tích cây trồng của gia đình ông Hà không bị ảnh hưởng của hạn hán mà còn tiết kiệm được 50% lượng nước tưới, giảm nhân công lao động.
Đến thăm vườn sầu riêng của anh Trương Văn Quân (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) mới thấy hết được sự hiện đại mà anh Quân đã đầu tư cho hệ thống tưới tiêu của mình. Chỉ cần anh Quân làm một động tác bật cầu dao là một giàn hệ thống nước được kích hoạt có thể tưới cho cả vườn cây. Vườn sầu riêng của anh Quân đã lắp hệ thống tưới tự động được 3 năm. Nhờ lắp đặt hệ thống tưới tự động mà 3 năm qua, việc chăm sóc sầu riêng đối với anh Quân có phần “nhàn hạ” hơn không còn cảnh kéo vòi nước đến tưới từng gốc cây nữa, đến mùa nắng nóng, anh chủ động trong việc tưới nước, hạ nhiệt cho cây, từ đó năng suất cây trồng cũng được nâng cao.
Anh Quân chia sẻ: “Theo tôi, việc lắp hệ thống tưới tự động giúp người nông dân tiết kiệm thời gian, công làm và chủ động chăm sóc cây trồng. Bây giờ tôi chỉ cần bật cầu dao rồi làm những công việc khác, đến giờ thì chỉ đi tắt cầu dao. Trong những giai đoạn quan trọng của cây sầu riêng như làm hoa, kết trái… tôi đều chủ động tưới nước một cách nhanh chóng, dễ dàng”.
Ở thành phố Buôn Ma Thuột có anh Đặng Phan Quốc Khánh đầu tư 20 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tự động, hơn 2 ha trồng ớt áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đã cho hiệu quả khiến anh bất ngờ.
“Trước đây, lúc nhìn nước nhỏ giọt li ti, tôi nghĩ cây trồng sẽ không đủ nước và rất lo lắng. Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát, thấy lượng nước tưới, phân bón cho cây trồng vừa đủ, vào đến tận gốc giúp cây hấp thụ tốt và không hề lãng phí nước”, anh Khánh cho hay.
Theo anh Khánh, việc tưới nước, bón phân cho cây nay chỉ cần một mình anh thao tác mà không cần phải thuê thêm nhân công. Vườn ớt của anh cho năng suất cao mà chi phí đầu tư giảm nên mang lại lợi nhuận lớn.
Anh Nguyễn Đình Tiến - một kỹ thuật viên lắp đặt các hệ thống tưới nước tự động cho các hộ nông dân tại huyện Cư M’gar cho biết, khi nông dân ứng dụng công nghệ tưới này vào sản xuất có thể giảm công lao động, lượng nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến 50%. Hiện nay, nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ tưới tự động, đáp ứng nhu cầu sản xuất đa dạng các loại cây trồng trên mọi địa hình, kinh phí lắp đặt dao động từ 15 - 50 triệu đồng/ha, tùy vào chủng loại.
Ưu điểm của phương pháp tưới nước tiết kiệm này, người dân không phải tốn công đào mương dẫn nước, tự điều chỉnh lượng nước tưới theo nhu cầu của từng loại cây trồng. Ngoài ra còn có thể hòa lẫn các loại phân bón dễ hòa tan như đạm, kali, hay các loại phân bón dạng nước... thông qua bồn pha chế gắn tại van điều chỉnh tổng. Từ đó, phân bón được hòa lẫn vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt hơn, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách tưới truyền thống.
Hiện nay, Đăk Lăk đã có gần 65 ngàn ha cây trồng các loại, được nông dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như tưới phun mưa tại gốc, nhỏ giọt, trong đó có 57.500 ha cà phê và hồ tiêu. Để mô hình tưới tiết kiệm nước ngày càng được nhân rộng hơn, tỉnh Đăk Lăk sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng liên quan nghiên cứu, ứng dụng triển khai xây dựng, đánh giá, lựa chọn phổ biến nhân rộng các giải pháp kỹ thuật tưới phù hợp với các đối tượng cây trồng, điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, sử dụng nước, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.