Nông dân trồng mai Bình Dương lo đầu ra cho cây mai Tết
Lo đầu ra cho cây mai Tết năm nay là tâm trạng chung của các hộ dân trồng mai ở Bình Dương, khi sức mua năm nay có xu hướng chậm, thương lái vắng bóng.Thời điểm này, hàng loạt nhà vườn trồng mai ở làng mai Vĩnh Phú (phường Vĩnh Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) đang khẩn trương cắt tỉa lá, tạo nút nụ, chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến gần.
Thị trường mai Tết ảm đạm
Những năm trước vào thời điểm này, đến làng mai vàng Vĩnh Phú là gặp rất nhiều thương lái, doanh nghiệp đến nhà vườn khảo sát, đặt mua để bán, chưng Tết hoặc biếu tặng nhau. Thế nhưng, năm nay hầu hết nhà vườn chưa nhận được đơn đặt hàng. Để giữ chân khách quen, các nhà vườn không tăng giá dù chi phí đầu tư, phân bón tăng cao.
Ông Huỳnh Văn Tấn (ở khu phố Tây, phường Vĩnh Phú) có hơn 1.000 gốc mai cho biết, những năm trước giờ này người mua rất nhiều. Năm nay tình hình kinh tế khó khăn nên sức mua sẽ giảm.
“Mọi năm giờ này người ta đến đặt hàng lai rai đến Tết, nhưng năm nay tình hình hơi căng. Vườn mai của gia đình chủ yếu là bán cho khách quen, mối lái gắn bó nhiều năm. Từ mối thân quen, Tết đến họ đến với mình. Năm nay, sức mua giảm nhưng tin chắc cũng có khách, có thu nhập nhưng không cao”, ông Tấn cho biết.
Mấy chục năm gắn bó với nghề trồng mai nhưng chưa khi nào các nhà vườn ở làng mai Vĩnh Phú lại “đứng ngồi không yên” như hiện nay. Ai cũng lo không có người mua sẽ không có chi phí chăm sóc cây và chi tiêu dịp Tết. Nhà vườn đã chủ động đi tìm đầu ra bằng cách chào bán trên Zalo, Facebook cá nhân và các hội nhóm hoa mai, cây cảnh. Mặt khác, họ hỏi nhau về Hội hoa Xuân các tỉnh lân cận để đăng ký tham gia.
“Mấy năm trước bán khoảng 50-60 gốc, thị trường năm nay chỉ cần bán được 30 gốc là nhiều rồi. Nói chung chỉ cần như vậy để bù lại phân, thuốc, tiền công chứ không bù lại chi phí cho 1 năm bỏ ra. Nhưng do thấy thị trường không đạt nên chỉ suy nghĩ bán 30 cây bù lại một chút chi phí đã bỏ ra”, ông Trương Vĩnh Tòng (khu phố Đông, phường Vĩnh Phú), hiện đang chăm sóc 300 gốc mai chia sẻ.
Hỗ trợ nông dân tìm khách hàng
Về thị trường mai ế ẩm, các thương lái cho rằng, bên cạnh kinh tế khó khăn thì còn do hoa, cây cảnh giả với nhiều mẫu mã, kiểu dáng, cạnh tranh với cây thật. Trước thực tế đó, thương lái cũng e ngại, không dám đặt cọc hàng mà đợi gần Tết xem tình hình thế nào rồi tính tiếp.
Bà Nguyễn Ngọc Hà, thương lái ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương nhận định, sức mua năm nay sẽ giảm so với mọi năm. Do đó, khi nào có khách đặt hay thấy thị trường sôi động bà mới dám lấy hàng, giờ chưa dám cọc nhiều.
Nắm bắt khó khăn của nông dân, hiện nay, Hội Nông dân TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương đang tham mưu các cấp, các ngành mở rộng các gian hàng tại Hội chợ hoa Xuân thành phố để tất cả nhà vườn được trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Hội cũng đã giới thiệu những đầu mối đến thăm quan, mua mai tận vườn.
Ông Nguyễn Thanh Giàu, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Thuận An cho biết, bên cạnh làng mai Vĩnh Phú, thành phố còn nhiều hộ dân ở 4 phường khác trồng mai kinh doanh. Năm nay, ít đơn hàng các nhà vườn gặp khó khăn, nên Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay để có kinh phí chăm sóc mai chờ đợi các vụ mùa sau. Hội cũng tiếp tục tổ chức kết nối để nông dân có thêm kinh nghiệm trồng mai.
“Hàng năm, Hội đều tổ chức các lớp tập huấn về hoa mai, cây kiểng. Hội cũng hỗ trợ cho nông dân tham gia các chi, tổ hội nghề nghiệp, tạo sân chơi cho hội viên có đam về về cây cảnh, hoa mai; đồng thời tổ chức tham quan các mô hình có năng suất cao ở các tỉnh bạn để có thêm kinh nghiệm”, ông Giàu cho biết.
Làng mai Vĩnh Phú từng một thời nổi tiếng khi có cả trăm hộ trồng mai. Những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp thu hẹp dần nên số người trồng mai trong làng chỉ còn vài chục hộ. Trồng mai giờ không có lời nhiều, nhưng những người cả đời gắn bó với cây mai vẫn không bỏ nghề, bởi đây là niềm vui và cả duyên nợ. Để thích nghi, nhiều nhà chuyển sang trồng mai bon sai trên diện tích vừa phải của gia đình.
Theo VOV