Hà Tĩnh: Cây gió trầm mở lối làm giàu cho người dân miền núi
Tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, phong trào mở rộng diện tích vườn đồi trồng cây gió trầm những năm gần đây phát triển mạnh, gần như phủ đều trên khắp diện tích. Toàn xã hiện có 1.700 hộ (chiếm 90 %) trồng cây gió trầm với diện tích gần 350ha. Doanh thu từ loại cây này mang lại trong năm 2023 cho người dân ở xã khoảng 100 tỷ đồng.
Theo người dân trồng trầm nơi đây, điều kiện thổ nhưỡng đã tạo ra lợi thế rất đặc biệt cho vùng đất này mà không phải nơi nào cũng có. Khoảng hơn 20 năm về trước, phát hiện ra lợi thế mà thiên nhiên ban tặng để phát triển loài cây “tỷ phú” này thì phong trào trồng gió trầm bắt đầu nở rộ.
Ông Đặng Kim Hoá ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang là chủ sở hữu khu vườn rộng hàng chục héc ta. Trong câu chuyện làm giàu của nhà nông, đứng dưới tán cây gió trầm hơn mười năm tuổi, giữa cái nắng cuối Hạ nhưng không khí vẫn mát lạnh và rất dễ chịu, ông chủ vườn dõng dạc tuyên bố: “Dân cư giàu nhất Hà Tĩnh giờ phải gọi tên vùng này. Nếu anh không tin cứ tổng hợp số liệu sổ tiết kiệm ở Ngân hàng chứ đừng nhìn vào nhà cao, xe hơi !”.
Trong số cây ở vườn gió trầm của gia đình ông có hàng trăm gốc đến nay gần hai mười năm tuổi có thể cho phép khai thác. Ông Hoá cho biết, thương lái đã nhiều lần ngã giá nhưng chưa muốn bán, nếu tính bình quân có giá từ 20-30 tiệu đồng/cây. Và ở cái mảnh đất này thì số người có kết quả như ông nhẩm cả ngày cũng không hết.
Theo chia sẻ của người dân trồng gió, mặc dù cùng nằm trong một khu vực nhưng đất của người dân ở thôn 8, xã Phúc Trạch hiện nay có giá lớn nhất bởi nhờ cây gió trầm mang lại. Cây gió ở đây cho lượng tinh dầu trầm cao gấp nhiều lần so với những nơi khác nên người dân theo nhau trồng gió lấy trầm và thực tế cây gió trầm đã góp phần đổi đời người dân nơi đây.
Gia đình ông Nguyễn Hải Nam ở thôn 8, xã Phúc Trạch hiện có gần 1.000 cây gió trầm khoảng12 năm tuổi. Cách đây 4 năm, hầu hết cây gió trầm trong vườn đã được ông tiến hành đục lỗ, tạo trầm và đều sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, vườn cây gió trầm đang ở thời kỳ cho thu hoạch, thương lái từ khắp mọi nơi đến đặt mua với số lượng lớn.
“Toàn bộ cây gió đã tạo trầm được gia đình tập trung thu hoạch, với giá bán như hiện nay dự kiến sẽ mang về nguồn thu nhập không dưới một tỷ đồng. Sau khi thu hoạch, tôi sẽ tiếp tục đầu tư kinh phí mua cây gió về trồng để ổn định phát triển kinh tế lâu dài”, ông Nguyễn Hải Nam cho biết.
Nhìn vườn gió ngút ngàn đang trong giai đoạn phát lộc và chứng kiến cuộc sống khá giả của gia đình ông Nguyễn Hải Nam chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi biết gia đình ông là một trong những hộ vươn lên từ khó khăn. Theo ông Nam, cây gió vốn mọc hoang dã, sống tự nhiên nên nếu nắm chắc kỹ thuật thì rất dễ trồng và không phải mất nhiều chi phí, công chăm sóc.
“Khi trồng đến ngày thu hoạch không phải bón phân gì cả. Đến tầm trước và sau Tết cần chú ý theo dõi phun thuốc để tránh sâu phá hoại sẽ giúp cây phát triển tốt. Đặc biệt, hiện nay việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, con người tiến hành đục lỗ, tạo trầm mà không quá phụ thuộc vào tự nhiên giúp khai thác tối đa giá trị…”, ông Nam chia sẻ thêm.
Bà Pham Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Cùng với cây bưởi, gió trầm đang là hai loại cây phát triển chủ lực, mang lại nguồn thu chính góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Hiện nay, nhận thấy tiềm năng của cây gió trầm mang lại, chính quyền khuyến khích, tạo điều kiện để người dân chuyển đổi một số diện tích loại cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây gió trầm”.
Mặt khác, thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến sản phẩm trầm hương, trầm nụ, trầm miếng, đồ thủ công mỹ nghệ, nhiều sản phẩm chế biến từ cây gió trầm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao có giá trị kinh tế rất lớn. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế bền vững, chính quyền cũng lưu ý không phụ thuộc vào một loại cây trồng, đồng thời định hướng người dân tiếp tục duy trì diện tích bưởi khi thị trường tiêu thụ gió trầm vẫn còn nhiều “ẩn số”.
Được biết, trên địa bàn huyện Hương Khê hiện nay có tổng diện tích hơn 650ha trồng cây gió trầm phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và làm hương trầm..., trong đó xã Phúc Trạch chiếm hơn một nửa. Cây gió trầm ở Phúc Trạch đã có thương hiệu, không chỉ thu lợi từ trầm mà nhiều hộ dân nhờ biết nắm bắt phong trào trồng gió trầm đã đẩy mạnh sản xuất cây giống cho thu nhập cao, đời sống khá giả.
Trong tiến trình phát triển kinh tế, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hương Khê xác định tiếp tục đầu tư phát triển gió trầm thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.