Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Đô Lương

Bùi Ánh - 09:30 18/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nông nghiệp công nghệ cao hiện đang là hướng đi tất yếu nhằm đáp ứng những thay đổi theo thời đại. Do đó, việc hướng dẫn người dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất đang được Hội Nông dân tỉnh Nghệ An quan tâm. Trong số nhiều mô hình được xây dựng thời gian qua, nổi lên mô hình nuôi lươn không bùn trên địa bàn xã Tân Sơn (Đô Lương) vừa mới lạ vừa cho hiệu quả kinh tế cao.
TIN LIÊN QUAN

Hỗ trợ nguồn vốn và tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật

Những năm gần đây, do dịch bệnh liên tiếp xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân như thu nhập thấp, một số lao động tại các công ty nghỉ do dịch bệnh, lao động nông nghiệp không có việc làm sau mùa vụ nhiều… Để người dân làm chủ được cuộc sống, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất mình sinh sống, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có những định hướng, tuyên truyền và hỗ trợ người dân trong sản xuất. Trong đó, mô hình nuôi lươn không bùn ứng dụng công nghệ cao đã giải quyết việc làm cũng như mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.

Lươn giống chủ yếu được nuôi trong các chậu nhỏ tách biệt. Ảnh: Bùi Ánh

Bước đầu, dự án được thực hiện với sự tham gia của 10 hộ gia đình. Tổng kinh phí thực hiện dự án 800 triệu đồng, trong đó 400 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh và 400 triệu đồng đối ứng từ các hộ thực hiện dự án.

Trong những năm gần đây, các hộ dân trên địa bàn xã Tân Sơn đã mạnh dạn đầu tư vốn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi; tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT trong trồng trọt và chăn nuôi. Do đó việc lập dự án nuôi lươn không bùn rất phù hợp.

Để hỗ trợ người dân thực hiện dự án, Hội Nông dân chủ động liên hệ, phối hợp mở 2 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lươn không bùn ứng dụng công nghệ cao cho các hộ tham gia Dự án, mở hội thảo tham quan mô hình trong và ngoài huyện để nâng cao năng suất hiệu quả. Hàng năm các hộ tham gia dự án sẽ được tham gia tất cả các buổi tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi do Hội tổ chức.

Hệ thống các bể nuôi lươn giống và lươn thịt. Ảnh: Bùi Ánh

Song song với việc đồng hành cùng hội viên nông dân trong xây dựng, phát triển mô hình, Hội Nông dân các cấp còn chủ động trong việc liên hệ các nhà hàng lớn, các siêu thị có uy tín, các tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân kinh doanh mặt hàng thức ăn, thuốc thú y đảm bảo chất lượng và có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm; ký hợp đồng giúp các thành viên tham gia dự án có nhu cầu mua thức ăn, thuốc thú y đảm bảo chất lượng và mua lươn thịt, lươn giống phục vụ nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh dịch vụ…

Các hộ tham gia dự án phải có trách nhiệm với nhau trong quá trình sản xuất, chia sẻ những kinh nghiệm về chăn nuôi: phương pháp chăm sóc; nhân giống, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tình hình diễn biến dịch bệnh, cách phòng trừ và cách phòng chống rét trong mùa Đông; nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ và xây dựng Hội vững mạnh.

Nuôi lươn không bùn: Hiệu quả và thiết thực

Tân Sơn là xã thuần nông về nông nghiệp, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều kênh mương hồ đập kiên cố, hệ thống giao thông thuận tiện tạo tiền đề phát triển ngành nghề dịch vụ thương mại. Nuôi lươn không bùn trên địa bàn xã góp phần khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai sẵn có, tận dựng tối đa các sản phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi. Đặc biệt là sử dụng diện tích đất xa xấu, trồng lúa kém hiệu quả.

Với mục tiêu phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh quy mô lớn, mô hình nuôi lươn không bùn trên địa bàn từ 500 m2 lên 6200 m2. Mô hình này được ước tính cho doanh thu 450-600 triệu đồng/tháng, lợi nhuận 150-180 triệu đồng/người/năm; góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn theo hướng sản xuất hàng hóa, cho thu nhập kinh tế cao; giải quyết việc làm mới cho 10- 12 hộ lao động nông thôn; nâng cao đời sống của các hộ trực tiếp tham gia dự án; góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn.

Lươn con mới nở. Ảnh: Bùi Ánh

Điển hình như hộ nuôi lươn không bùn Nguyễn Trọng Lương (SN 1990) ở Tân Sơn đã có kinh nghiệm nuôi lươn gần 4 năm nay cho biết, việc nuôi lươn không bùn dễ kiểm soát được dịch bệnh, cho ăn được đều hơn. Mỗi lần thả giống tính theo con bình quân 1m2 thả 250 con giống. Nếu điều kiện tốt từ lúc thả đến lúc thu hoạch khoảng 9 đến 10 tháng, mỗi con có trọng lượng khoảng 200g. Bình quân mỗi bể 6 đến 10m2 thu hoạch được khoảng 350kg, có giá bán từ 150.000-160.000 đồng/kg. Chi phí chủ yếu là tiền mua giống khá tốn kém, còn lại công nuôi và thức ăn không tốn nhiều. Nhưng anh Lương không phải đi mua giống mỗi năm để tiến hành chăn thả do anh tự sản xuất và tự cung cấp giống.

Ngoài nuôi lươn thịt, anh còn cung cấp giống cho các hộ nuôi khác. Mỗi tháng anh cung cấp khoảng 30 đến 40.000 con giống (giá mỗi con giống dao động từ 4.000 đến 5.000 đồng/con) cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh phụ cận. Hiện tại anh có gần 100 bể nuôi lươn thịt và lươn bố mẹ sinh sản. Chu kỳ nuôi lươn bố mẹ sinh sản từ 1 đến 2 năm lại bắt đầu thay giống. Lươn chủ yếu sinh sản từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch.

Từ lúc thả giống đến lúc thu hoạch khoảng 9 đến 10 tháng, mỗi con có trọng lượng khoảng 200g. Nuôi lươn không bùn hạn chế được bệnh tật và cho ăn được đều hơn. Ảnh: Bùi Ánh

Kỹ thuật công nghệ nuôi lươn không bùn không mấy phức tạp. Lươn được nuôi trong bể xi măng không đòi hỏi diện tích vùng sản xuất phải lớn. Quy trình nước trong hệ thống tuần hoàn khép kín liên tục, với cách làm này thì môi trường nuôi lươn sẽ ổn định, đồng thời giảm thiểu công chăm sóc, vệ sinh. Nuôi lươn trong mô hình tuần hoàn hạn chế tối đa mầm bệnh từ bên ngoài, nên con lươn phát triển tốt và ít bị bệnh.

“Mô hình nuôi lươn không bùn là hướng đi mới cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã Tân Sơn, góp phần đảm bảo cung cấp cho thị trường lươn nuôi sạch, an toàn, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân - ông Nguyễn Công An – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đô Lương cho biết - Với mô hình này, các hộ dân tham gia được tập huấn kỹ thuật nuôi lươn và có hiệu quả rõ rệt. Hội sẽ tiếp tục có những hỗ trợ để nhân rộng mô hình này ở những xã khác trong thời gian tới”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác