Phát triển các mô hình nuôi thủy sản theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm
Mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng thuốc và hóa chất, kháng sinh đạt hiệu quả cao: Mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng kháng sinh, hóa chất xử lý môi trường trong suốt quá trình nuôi tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Sử dụng chế phẩm sinh học để cho ăn và xử lý môi trường nhằm đảm bảo chất lượng nước, môi trường nuôi thủy sản, thức ăn tự nhiên trong ao phát triển mạnh sẽ làm giảm chi phí thức ăn. Phân hủy chất hữu cơ trong nước, chất thải và đáy ao nuôi. Bổ sung hệ vi sinh vật có lợi, tăng dinh dưỡng trong môi trường ao nuôi.
Mô hình nuôi tôm theo VietGAP: Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú áp dụng theo VietGAP, thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý thức ăn, thuốc, hóa chất, đảm bảo an toàn môi trường và dịch bệnh. Tăng cường sử dụng các biện pháp quản lý ao nuôi như định kỳ sử dụng vôi nông nghiệp, dolomit, chế phẩm vi sinh ổn định môi trường, hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi. Đặc biệt không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh tôm, chỉ sử dụng khi thật cần thiết, trong quá trình nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh nên tôm nuôi đạt tỷ lệ sống cao, kích cỡ đồng đều, màu sắc đẹp. Năng suất bình quân từ 10 - 12 tấn/ha. Hiệu quả cao hơn từ 15 - 20% so với các hình thức nuôi truyền thống. Mô hình được áp dụng rộng rãi tại địa bàn các tỉnh ven biển trên cả nước.
Mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Ảnh TTKNQG
Mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè trên sông và hồ chứa đảm bảo an toàn thực phẩm: Mô hình áp dụng công nghệ nuôi lồng lưới, khung sắt hoặc kẽm. Mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa đảm bảo an toàn thực phẩm đem lại hiệu quả kinh tế. Trong quá trình nuôi bổ sung các loại men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa cho cá ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá. Các địa phương có điều kiện nuôi cá lồng bè đang khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển nhân rộng mô hình nuôi cá lồng bè đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo VietGAP, đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và xúc tiến thương mại để sản phẩm sản xuất ra có thị trường tiêu thụ và phát triển bền vững. Xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình nuôi theo chuỗi giá trị.
Mô hình nuôi cá nước ngọt và cá biển theo VietGAP ứng dụng công nghệ biofloc: Lợi ích trong công nghệ biofloc gồm 3 yếu tố: biofloc cho năng suất cao, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp (FCR) và môi trường nuôi bền vững. Tỷ lệ carbon:nitơ (C: N) trong ao nuôi luôn được duy trì trong khoảng 15:1 bằng cách điều chỉnh mật mía, ngũ cốc dạng viên và các đầu vào thức ăn để kiểm soát nồng độ nitơ vô cơ trong nước. Các vi khuẩn, tạo thành biofloc, hấp thụ amoni để tạo protein của vi sinh vật làm thức ăn cho cá, qua đó tái chế các protein trong thức ăn thừa. Nhờ đó, khi ứng dụng công nghệ sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường nước, giảm khoảng 30% lượng thức ăn bổ sung cho cá, năng suất nuôi đạt cao từ 8 - 15 tấn/ha, chất lượng thịt cá cao đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng hữu cơ. 100% các mô hình nuôi được cấp chứng nhận VietGAP và liên kết với các cơ sở tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP: Dự án đã triển khai xây dựng tại các tỉnh nuôi cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả, 100% các cơ sở nuôi tham gia mô hình đạt chứng nhận VietGAP. Mô hình áp dụng VietGAP giúp tiết kiệm được từ 10 - 15% giá thành sản xuất so với các mô hình nuôi không áp dụng VietGAP, cá khỏe mạnh, nhanh lớn, đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Các cơ sở nuôi đạt chứng nhận VietGAP. Các cơ sở nuôi cá tra tham gia mô hình đều có cam kết không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh TTKNQG
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia