Phát triển du lịch cộng đồng – hướng đi mới ở Tịnh Khê
Phát huy thế mạnh địa phương để làm du lịch
Rừng dừa nước xã Tịnh Khê với diện tích hơn 9ha nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 15km về phía Đông Bắc. Khu rừng ngập mặn độc đáo này nằm ở đầu nguồn dòng Kinh Giang, giữa hai thôn Cổ Lũy và Trường Định. Nơi đây được ví là “miền Tây trong lòng TP. Quảng Ngãi” với những rặng dừa xanh mát bạt ngàn đang “soi gương” trên mặt nước. Cánh rừng ngập mặn này còn gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, bởi trước đây, xã Tịnh Khê từng là căn cứ địa cách mạng, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ của miền Đông huyện Sơn Tịnh. Người dân nơi đây bám rừng mưu sinh và cũng chính họ cùng chung sức, đồng lòng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, thu hút rất nhiều khách đến tham quan.
Thực hiện chủ trương của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương về phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng, Hội Nông dân xã Tịnh Khê đã tích cực vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mỹ Khê (HTX NN & DLCĐ) vào năm 2021, chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2023. Hiện nay, HTX có 17 thành viên, trong số đó có 10 thành viên là người dân gốc tại địa phương, đã gắn bó lâu năm với rừng dừa nước, họ vừa là hướng dẫn viên vừa là thợ chèo thuyền phục vụ du khách tham quan, ngắm cảnh.
Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024 vừa qua đã có trên 5.000 lượt du khách đến đây tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, khách du lịch trong và ngoài tỉnh tìm về rừng dừa nước Tịnh Khê để được hòa mình vào màu xanh tươi mát trong tiết trời mùa Hè oi ả. Ngoài ra, du khách trải nghiệm chèo thuyền băng qua các con lạch, thưởng thức hương vị trái dừa nước và “mục sở thị” nghề đánh bắt tôm cá và nghề đan lá dừa thủ công cùng người dân nơi đây.
Tăng thu nhập nhờ làm du lịch cộng đồng
Ông Phạm Văn Hiền (63 tuổi, hội viên nông dân thôn Trường Định) là người chèo thuyền mưu sinh trên rừng dừa nước cho biết: “Nhà tôi có 4 sào dừa nước, tôm, cá cứ sinh sôi ở đây nên gia đình tôi cũng như nhiều người dân ở đây không lo thiếu ăn, còn có thể hái lá dừa về chằm (đan) thành tấm để bán. Từ khi có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp của chính quyền địa phương, bà con trong thôn rất phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập”.
Từ khi có HTX NN và DLCĐ Mỹ Khê, nông dân Hiền vừa là người chèo thuyền dẫn khách tham quan rừng dừa nước, vừa là “hướng dẫn viên chân đất” giới thiệu về lịch sử và cuộc sống của người dân trên vùng sông nước này. Bởi ông Hiền là người đã được sinh ra và lớn lên trên vùng đất này nên ông gắn bó và rất thạo nghề mưu sinh trên sông nước.
Ông Hiền kể, rừng dừa nước gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bà con đã bám đất giữ làng, mưu sinh đến ngày nay. Trong thời gian chống Pháp và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng dừa có diện tích hàng trăm hecta, sinh trưởng trên vùng đầm lầy và ngập mặn của dòng sông Kinh Giang, tạo thành một địa thế chiến lược hết sức hiểm yếu, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang trú ẩn. Rừng dừa nước Tịnh Khê là an toàn khu của cách mạng ở miền Đông Sơn Tịnh, là địa bàn bất khả xâm phạm của quân và dân xã Tịnh Khê. Ông Hiền hướng ánh mắt về phía bia di tích và cảm thấy vinh dự khi Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Di tích lịch sử văn hoá Căn cứ Rừng dừa nước.
Cũng như ông Hiền, bà Nguyễn Thị Thu Ba (54 tuổi), ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê đã gắn bó mật thiết với rừng dừa nước nơi này, bây giờ tham gia vào thành viên của hợp tác xã thì ngoài công việc vốn đã quen thuộc như chèo thuyền đánh bắt tôm, cá và đan lá dừa, bà Ba còn đưa đón, giới thiệu cho khách tham quan rừng dừa nước để có thêm thu nhập, nâng cao giá trị cuộc sống và kinh tế hộ gia đình.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX NN và DLCĐ Mỹ Khê cho chia sẻ: Hướng phát triển du lịch của HTX là bảo tồn và nâng cao giá trị rừng dừa nước, đồng thời nâng cao ý thức của người dân về khôi phục một số nghề truyền thống từ nguồn nguyên liệu có sẵn của địa phương như: Đan lá dừa, đan chiếu cói và khai thác nguồn lợi thủy sản từ rừng dừa nước… Bên cạnh đó, Hợp tác xã mong muốn xây dựng hoạt động du lịch cộng đồng theo chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng hoạt động một cách chuyên nghiệp bằng cách kết nối với các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp trong tỉnh để triển khai du lịch bền vững theo cách phục vụ ăn uống các món mang hương vị đặc trưng của vùng miền, thu hút du khách lưu trú ở các homestay để trải nghiệm cùng cộng đồng... Hiện tại HTX tuyên truyền, vận động và kết nối để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng dừa nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ nghề truyền thống đan lá dừa, đồng thời bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Qua đó, đã phát huy nội lực, đổi mới cả về chất và lượng khẳng định vai trò, ý nghĩa của kinh tế tập thể.
Bà Bùi Thị Phương Ngân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Quảng Ngãi cho biết: Từ khi Hợp tác xã NN và DLCĐ Mỹ Khê đi vào hoạt động, hiệu quả bước khởi đầu đã cho thấy rõ ngoài vấn đề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương, đồng thời đã thay đổi từ nhận thức đến tư duy và hành động của người nông dân mới đó là linh hoạt, chủ động, nhạy bén trong sử dụng công nghệ thông tin để quảng bá hình ảnh “bức tranh quê hương” của mình trên mạng xã hội, thông qua chiếc smartphone, những “hướng dẫn viên chân đất” nơi đây có thể quảng bá những hình ảnh đẹp về cuộc sống mưu sinh của họ cùng cảnh đẹp của rừng dừa nước đến với du khách ở mọi miền trong nước và quốc tế…
“Trong thời gian tới, Hội ND sẽ tiếp tục hỗ trợ các thành viên HTX bằng việc mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng để phục vụ khách du lịch như cấp giấy chứng nhận chở khách cho lái thuyền, kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách, phát triển các đặc sản quê hương…” - bà Bùi Thị Phương Ngân thông tin thêm.