Đình Trà Cổ: Ngôi đình thiêng nơi miền đất phên giậu quốc gia
Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn
Truyền thuyết kể lại rằng, vào thế kỷ 15, có 12 gia đình ngư dân ở Đồ Sơn trong một lần đi đánh cá gặp sóng to, gió lớn đã dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Trải qua thời gian, trước những thách thức về điều kiện tự nhiên và nguồn sinh kế, sáu gia đình đã rời đi, sáu gia đình còn lại quyết tâm bám trụ khai đất, lập làng, định cư nơi đây.
Với nghị lực và sự kiên trì, từ một nhóm cư dân đầu tiên, vạn chài Trà Cổ được hình thành, song buổi đầu còn thưa thớt và mang tính tự phát. Không thể kể hết sự gian lao của sáu gia đình vào thủa khai hoang, lập đất để tạo nên một xóm làng trù phú sau này. Từ con số nhỏ nhoi và đơn độc đó, dần dà, những cư dân đã theo nhau về đây, tạo nên một làng quê trù phú.
Tái hiện hình ảnh 6 gia đình người Đồ Sơn khai hoang, lập nên vùng đất Trà Cổ trù phú ngày nay tại Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ.
Như truyền thống của người Việt Nam “Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”, để con cháu mãi mãi ghi nhớ cố hương, sáu gia đình đầu tiên đã đặt tên cho vùng đất mới là Trà Cổ, ghép tên từ hai làng Trà Phương và Cổ Trai, quê hương của họ ở Đồ Sơn.
Và như nhiều làng quê khác trên đất nước Việt Nam, đình Trà Cổ đã được nhân dân góp công, góp của xây dựng. Để mãi mãi ghi nhớ công lao của sáu gia đình đầu tiên lập nên Trà Cổ, người dân đã tôn họ thành Thành Hoàng và phối thờ một lúc cả 6 vị. Đến nay, các thế hệ người Trà Cổ vẫn truyền cho con cháu câu thành ngữ “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn” với ý nhắc nhở con cháu rằng tổ tiên của họ quê ở Đồ Sơn. Đây cũng chính là nguồn cội hình thành nên văn hóa của vùng đất Trà Cổ.
Trong tâm thức người dân quê Việt, Đức Thành hoàng là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khoẻ mạnh. Các thế hệ dân cư cứ tiếp tục sinh sôi, có thể ở lại làng hoặc di cư đến nơi khác nhưng Thành Hoàng thì tồn tại mãi mãi với làng. Đình làng và Thành Hoàng trở thành một chứng tích hữu hình, vô hình không thể phủ nhận được của một làng qua những dâu bể cuộc đời.
Có thể cho rằng, với tục thờ phụng, Thành Hoàng đã trở thành một thủ lĩnh của làng xã không chỉ về mặt tinh thần mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất của dân làng. Và với sự thờ phụng đó, nó là một sự nhắc nhở về nguồn cội, là sự cam kết ngầm về lệ làng, lề thói gia phong của làng. Và ở Trà Cổ, nơi miền biên viễn của Tổ quốc này, sự thờ phụng 6 vị Thành Hoàng đó, còn là một cam kết của toàn bộ dân làng về bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Di tích Quốc gia đặc biệt
Sau hơn 500 năm tồn tại, đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Trong đó lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 2012. Ngôi đình hiện nay, được xây dựng trên một khu đất có tổng diện tích hơn 1.000m2, quay theo hướng Nam, có kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 5 gian 2 trái bái đường và 3 gian hậu cung với kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền. Toàn bộ công trình được dựng lên bằng sự liên kết khung gỗ và được liên kết với nhau bởi các chốt mộng.
Về cơ bản, các kiến trúc của đình vẫn được giữ tương đối nguyên vẹn, là một kiến trúc cổ bề thế, mái đình hơi võng, lợp ngói mũi hài, bốn góc đầu đao cong vút như một con thuyền rẽ sóng lướt tới, tạo nên dáng vẻ thanh thoát. Đặc biệt các bức cốn ở vì kèo thể hiện đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo và rất sống động.
Đặc biệt, tương tự như đình Mông Phụ ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, đình Trà Cổ được xây dựng theo lối kiến trúc Việt Mường là lối nhà sàn kết hợp với những hàng lan can hình con tiện bao quanh. Mặt trước của đình cũng có hai mặt sàn tương tự như nhà tả Vu, Hữu Vu của đình Mông Phụ.
Đình Trà Cổ với lối kiến trúc Việt Mường: Nhà sàn kết hợp với những hàng lan can hình con tiện bao quanh.
Mặc dù nằm xa trung tâm, lại gần sát biên giới - nơi có mật độ giao lưu, giao thoa văn hóa Việt Trung rất cao, nhưng nghệ thuật trang trí, kiến trúc ở đình Trà Cổ vẫn mang đậm phong cách nghệ thuật của dân tộc Việt thời Lê sơ. Do đó, bên cạnh yếu tố như một cột mốc chủ quyền biên giới, đình Trà Cổ còn là một cột mốc về văn hóa, về tâm linh nơi địa đầu Tổ quốc.
Với những giá trị to lớn về kiến trúc, nghệ thuật và văn hóa, ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1225/QĐ-TTg công nhận đình Trà Cổ là Di tích Quốc gia đặc biệt.