Du lịch

Chiêm ngưỡng bức tranh gốm sứ khổng lồ trên "Vương miện mẹ Âu Cơ" tại Sa Vĩ

Minh Tú - 10:09 26/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ được xây dựng tại khu Tràng Vĩ, phường Trà Cổ, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Nổi bật trong cụm công trình là một kiến trúc độc đáo, gồm biểu tượng 8 lá dương khổng lồ bằng bê tông vĩnh cửu hướng thẳng lên trời như bông sen của hòa bình trên vương miện của mẹ Âu Cơ. Vành đai có chu vi 200m, cao 6m với những hình ảnh, hoạ tiết bằng gốm thể hiện đậm nét văn hoá truyền thống Việt Nam.

Cụm thông tin cổ động biên giới tại Sa Vĩ có diện tích 16.000m2 được xây dựng tại khu Tràng Vĩ, phường Trà Cổ, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Công trình khởi công từ năm 2009, hoàn thành vào tháng 10/2013, đúng dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh.

Nổi bật trong cụm công trình là một kiến trúc độc đáo, gồm biểu tượng 8 lá dương khổng lồ bằng bê tông vĩnh cửu hướng thẳng lên trời như bông sen của hòa bình trên vương miện của mẹ Âu Cơ. Cây dương là loại cây bao đời nay đã đứng trước phong ba, bão táp vững chãi bảo vệ Trà Cổ, nó thể hiện cho sự bền bỉ và trường tồn của mảnh đất và con người nơi đây.

Mặt trước của vương miện nổi bật với mặt trống đồng Ngọc Lũ, một bảo vật quốc gia Việt Nam. Thân của Vương miện được ghép bằng tranh gốm với những hình ảnh, hoạ tiết thể hiện đậm nét văn hoá truyền thống Việt, trong đó có đặc trưng văn hóa của người dân Móng Cái.

Khung hình đầu tiên bên tay phải của trống đồng là hình ảnh Lễ hội dân gian miền Bắc với các cô thôn nữ chít khăn mỏ quạ, tay cầm nón thúng quai thao; những liền anh trong những chiếc áo the nho nhã; những cô, bác lớn tuổi đang đội theo những mâm lễ gồm xôi, oản, hoa quả… Phía xa, trên những rặng tre phấp phới lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc và cờ Lễ hội tung bay trong gió.

Cụm hình ảnh thứ hai là hình ảnh những người nông dân vùng đồng bằng trên cánh đồng bội thu. Những cánh tay khỏe mạnh, những nét mặt tươi vui hồ hởi đang gặt trên cánh đồng lúa vàng trĩu bông.

Cụm hình ảnh thứ ba, cũng là hình ảnh ngày mùa nhưng trên vùng cao với những nam thanh, nữ tú các dân tộc của tỉnh Quảng Ninh đang hồ hởi gùi về những Lù Cở đầy lương thực. Hình ảnh ba cô gái Dao Đỏ ở trung tâm bức hình, phía xa là các chàng trai người Mông với chiếc mũ nồi đen, các cô gái Bố Y với tà áo xanh, cô gái Thái duyên dáng trong tà áo dài hai thân và các chàng trai người Dao Thanh Y đang thổi kèn Pí Lè.

Cụm hình ảnh thứ tư là một trong những hình ảnh đặc trưng của miền biển Quảng Ninh. Với đường bờ biển dài tới 250km, Quảng Ninh có hơn 2.000 hòn đảo nằm trong Vịnh Bắc Bộ với nguồn thủy hải sản phong phú. Ngư dân có truyền thống khai thác hải sản đa dạng ở các bãi triều và đánh bắt hải sản gần bờ. Nhóm hình ảnh gồm 5 chàng ngư dân khỏe mạnh đang cùng nhau hạ thủy một chiếc thuyền thúng; hai cô gái đang vác những chiếc cần xé đầy cá; hai vợ chồng ngư dân đang vác mái chèo trở về nhà và phía xa, những đoàn tàu đánh bắt xa bờ, treo cờ Tổ quốc đang chuẩn bị ra khơi.

Cụm hình ảnh thứ năm là hình ảnh tiếp nối của cụm thứ 4 với hình ảnh Vịnh Hạ Long với những hòn đảo phía xa, Nổi bật trên mặt biển đang dần tối màu là những đoàn tầu đánh xá đang giương buồm ra khơi trong ráng chiều. Bức tranh không có chữ nhưng chúng ta cảm tưởng đang đọc khổ thơ đầu trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa,
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”

Cụm hình ảnh thứ sáu là hình ảnh Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, một trong những niềm tự hào của người Quảng Ninh. Hình ảnh những người thợ điện trong chiếc áo màu cam thân thương đang nỗ lực kéo dây, đưa dòng điện hòa vào lưới điện quốc gia, những kỹ sư đang chăm chú theo dõi đường dây, phía xa, những cột khói đang vươn lên trời xanh.

Đây rồi! Đây là Quảng Ninh, đây là những mỏ than và những người thợ lò đã làm nên một truyền thống cách mạng của vùng Mỏ thân yêu. Họ là những người thợ lò, sinh ra trên đất mỏ, trong những ngày cờ đỏ bay trên núi Bài Thơ, như lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân:

Kìa tiếng búa khoan reo như tiếng trống trận Kìa nghe tiếng mìn nổ như tiếng súng công đồn Ta đi khơi nguồn suối than cho than xuôi về bến Ta đi nhen ngọn lửa nhiệt tình cách mạng Tổ quốc mong than ta quên sao lời Bác dặn Nào đồng chí chúng ta ơi ta tiến quân vào lò.

Lao động quên mình để cho những ngày mùa bội thu và khi thóc lúa đã đầy bồ thì làng gần, làng xa đều mở hội. Cụm hình ảnh thứ 8 nổi bật với hình ảnh hai đô vật đang trong một keo vật nẩy lửa, tiếng trống dồn dập ầm vang trong sự theo dõi đầy hồi hộp của các chàng trai, cô gái trong những bộ quần áo đẹp nhất. Phía xa, một đôi trai gái đang chơi đu nhưng hai cặp mắt vẫn chăm chú nhìn về sới vật.

Bức hình tiếp nối như là một chú thích: Hội làng thì bên cạnh có vật, có các trò chơi dân gian thì phải có rước kiệu, tế lễ. Chiếc kiệu có đoàn phù giá (người khênh kiệu) gồm 8 người, dẫn đầu là đội rước lọng vàng, đội bát âm gồm kèn, sáo, trống, tiếp theo là những người dân đội mâm lễ đi xen kẽ giữa những người trong đoàn rước.

Đứng trên biểu tượng Vương miện của mẹ Âu Cơ, dưới 8 chiếc lá dương cao tới 27m, phóng tầm mắt ra xa, ta có thể nhìn thấy cột mốc 1378, cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Mũi Sa Vỹ là nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ hình chữ S; là khởi điểm cho đường bờ biển dài 3.260km của nước ta. Nơi đây cũng kết thúc đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc kéo dài 1.406km (bắt đầu là cột mốc số 0 tại A Pa Chải, Điện Biên). Điều thú vị nữa là mũi Sa Vĩ còn là điểm cực Đông của miền Bắc, nơi đón ánh nắng mặt trời trên đất liền sớm nhất ở khu vực này. Nếu có dịp về miền đất thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc này, bạn hãy tới Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ tại khu Tràng Vĩ, phường Trà Cổ (TP. Móng Cái) để cùng chiêm ngưỡng tuyệt tác này nhé.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác