Phó Chủ tịch nước kiểm tra tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả mưa lũ tại Sơn La
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn và xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu. Đoàn đã nghe báo cáo về công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong đợt mưa lũ vừa qua.
Tại xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 2, mưa lũ xảy ra tại xã Mường Chanh đã làm 594 nhà bị hư hại; 94ha lúa, 40ha cà phê, 21ha rừng bị ngập, cuốn trôi; 2,8 tấn lương thực bị cuốn trôi, ẩm ướt và hư hỏng; hơn 1.500 con gia súc, gia cầm, 27ha ao cá bị thiệt hại; 550m kè bị sạt lở, hư hỏng; 7.845m mương bị sạt, trôi; 8 cầu treo bị hư hại hoàn toàn…
Ông Lò Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn cho biết: Để khắc phục hậu quả thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Mường Chanh chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tích cực huy động máy móc, lực lượng tham gia khắc phục mưa lũ; các tổ công tác chủ động phối hợp với các bản được giao phụ trách tổng hợp tình hình thiệt hại, tổ chức khắc phục tại chỗ, kiểm tra, xác minh, thống kê số liệu thiệt hại để báo cáo các cấp theo quy định. Xã đã kịp thời thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị thiệt hại nặng, huy động lực lượng tại chỗ tập trung tối đa, khắc phục tạm thời, giúp các hộ dân ổn định đời sống.
Còn tại xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu, hoàn lưu cơn bão số 2 gây mưa đã khiến 3 người chết, 3 người bị thương; 149 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở; hơn 78ha lúa ruộng, 83ha cà phê bị vùi lấp; 13,8 km đường bị xói mòn; 6 cầu qua suối, 10.761m đường ống nước 1.154m mương bị cuốn trôi, hư hỏng; 7 con bò, 15 con dê, 15 con lợn và gần 600 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Ngay sau mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Bản Lầm đã phối hợp với các bản vận động các hộ bị thiệt hại nhà ở khắc phục; huy động lực lượng xung kích của bản hỗ trợ các gia đình thu dọn, di chuyển tài sản. Riêng sản xuất nông nghiệp, khẩn trương kiểm tra thực tế, thống kê nắm bắt tình hình thiệt hại để tổng hợp đề xuất hỗ trợ. Trạm Y tế xã đã tiếp nhận vật tư, cơ số thuốc để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau lũ; hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, xử lý ô nhiễm sau khi nước rút.
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Thời gian vừa qua, tỉnh Sơn La chịu ảnh hưởng của 3 đợt mưa lớn, gây lũ quét, sạt lở đất. Thiên tai đã làm 11 người chết, 6 người bị thương; hơn 2.600 nhà bị thiệt hại. Thiên tai còn làm 29 điểm trường bị ảnh hưởng, nhiều điểm sạt lở, ách tắc trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; hơn 4.000ha lúa mùa bị ngập, cuốn trôi; 11 công trình nước sạch bị hư hỏng, ảnh hưởng hơn 3.200 hộ không có nước sinh hoạt… Ước tổng thiệt hại trong tháng 7 vừa qua là hơn 500 tỷ đồng, trong đó, do ảnh hưởng cơn bão số 2 và hoàn lưu bão số 3 từ ngày 22 đến 31/7 đã làm thiệt hại hơn 487 tỷ đồng.
Ngay khi thiên tai xảy ra, Thường trực Tỉnh uỷ, UBND, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các huyện, thành phố với phương châm "4 tại chỗ", phân công các thành viên Ban Chỉ huy từ huyện đến xã trực tiếp đến hiện trường những địa bàn bị ảnh hưởng để chỉ đạo sơ tán dân, di dời bảo vệ các công trình, bố trí tạm thời nơi ở an toàn cho nhân dân, tổ chức ứng cứu các điểm bị cô lập, tổ chức lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người bị mất tích; chỉ đạo triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai để nhanh chóng ổn định cuộc sống nhân dân vùng bị thiên tai.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tỉnh Sơn La đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại thành phố Sơn La, các huyện Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu.
Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy số người mất tích, hỗ trợ các hộ vùng ngập úng, sạt lở di dời tài sản đến nơi an toàn, đảm bảo an ninh trật tự vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tiêu độc, khử trùng phòng trừ dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm vùng bị thiên tai.
Các địa phương, đơn vị đã tập trung khắc phục hệ thống đường giao thông; thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, y tế. Các huyện đã chỉ đạo vận động nhân dân cho ở nhờ và bố trí nhà văn hoá để bố trí chỗ ở tạm cho nhân dân bị mất nhà, rà soát, trình xin chủ trương của tỉnh để triển khai các điểm sắp xếp dân cư tập trung bố trí cho các hộ có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, sập đổ và nhà bị sạt lở phải di dời khẩn cấp. Việc thống kê, xác minh, xây dựng phương án hỗ trợ về nông nghiệp được thực hiện theo quy định để sớm khôi phục sản xuất trên địa bàn các huyện.
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị có liên quan, chia sẻ với bà con vùng thiên tai; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã chuyển lời thăm hỏi ân cần của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẻ chia với những thiệt hại, khó khăn, mất mát của tỉnh Sơn La, đặc biệt là bà con những nơi bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở, ngập úng kéo dài. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, sự vào cuộc kịp thời của lãnh đạo tỉnh cùng các lực lượng cứu nạn, cứu hộ của tỉnh, huyện, thành phố trong ứng phó mưa lũ, khắc phục hậu quả thiên tai; sự chủ động, tự giác của bà con trong phòng tránh thiên tai.
Trước tình hình thời tiết diễn ra phức tạp từ nay đến cuối năm, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân yêu cầu Sơn La cần tập trung đảm bảo an toàn đời sống nhân dân, đặc biệt là những vùng bị ảnh hưởng trực tiếp, có nguy cơ như xã Mường Chanh, xã Bản Lầm; tiếp tục di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm; quan tâm, chăm lo, động viên các gia đình bị thiệt hại về người; hỗ trợ nhân dân sớm ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống về lâu dài; cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong tỉnh.
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica