Phong trào đã thực sự lan tỏa sâu rộng
Hoạt động có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội
Hội nghị NDSXKDG toàn quốc lần thứ VI là hoạt động có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc và có sức lan toả rộng lớn. Để chào mừng Hội nghị NDSXKDG toàn quốc lần thứ VI tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước lần thứ V, năm 2022, nhằm giới thiệu được các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh Bình Phước; mở rộng hoạt động xúc tiến thương mại; kết nối tiêu thụ các sản phẩm trái cây; sản phẩm OCOP, sản phẩm đạt các chứng nhận và tiêu chuẩn chất lượng cao.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh Bình Phước còn tổ chức các hoạt động theo chuỗi sự kiện hỗ trợ nông dân như: Hội nghị trực tuyến gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ, hội viên sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu tỉnh Bình Phước năm 2022; Hội thi “Trái cây ngon - Bình Phước năm 2022”; Hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân; Hội nghị biểu dương nông dân là người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi tỉnh Bình Phước năm 2022; Hội nghị chuyên đề hướng dẫn nông dân về thương mại điện tử và quy trình, cách thức đưa nông sản lên các sàn giao dịch; ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước; Hội nghị tập huấn công tác bảo quản sau thu hoạch; Hội thảo khoa học “ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp”; Hội nghị tập huấn trồng trọt hữu cơ và làm nông dược tự nhiên ...
Trong thời gian qua, phong trào NDSXKDG của tỉnh đã thực sự lan tỏa sâu rộng và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và ổn định chính trị - kinh tế - xã hội địa phương. Phong trào đã góp phần xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh, thu hút hàng ngàn lượt hội viên nông dân tham gia; kết quả của phong trào đã tích cực góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nâng cao nhận thức cho người nông dân, làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao; từ năng suất lao động thấp sang năng suất lao động với hàm lượng khoa học công nghệ cao; từ xem trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, mục tiêu giá trị lợi nhuận đã từng bước gắn với tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng và hướng tới phát triển bền vững.
Tập trung nguồn lực hỗ trợ nông dân
Nhiều năm gần đây, giá mủ cao su, hạt điều giảm mạnh so với nhiều loại cây trồng khác, lợi nhuận không cao, vì vậy người nông dân có xu hướng chuyển đổi các loại cây trồng khác, đặc biệt là cây ăn quả như: Sầu riêng, bưởi, bơ, măng cụt, cam, quýt... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng cao su, điều. Tuy nhiên việc chuyển đổi cây trồng tự phát của nông dân làm ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch diện tích, sản lượng cây trồng của tỉnh, đã trở thành chuyện đáng quan tâm của nhà nông. Vì vậy cần có sự khuyến cáo và những giải pháp hữu hiệu để người nông dân giữ lại các loại cây trồng đặc thù của tỉnh Bình Phước và được xem là “Thủ phủ điều” Việt Nam.
Về định hướng của Hội Nông dân tỉnh trong thời gian tới, xác định cây cao su, điều là cây trồng chủ lực, đặc biệt là cây điều, căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/4/2020 của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy về “phát triển ngành Điều Bình Phước giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” để thực hiện.
Trong năm 2022, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành loạt văn bản về phát triển nông nghiệp như: Chỉ thị số 14- CT/TU ngày 25/6/2022 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Kết luận số 366- KL/TU ngày 25/6/2022 của BTV Tỉnh ủy về phát triển thị trường các sản phẩm chủ yếu của tỉnh; Kết luận số 367- KL/TU ngày 25/6/2022 của BTV Tỉnh ủy về phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh; Kết luận số 368-KL/TƯ ngày 25/6/2022 của BTV Tỉnh ủy về phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch, bệnh động vật trên địa bàn tỉnh; Kết luận số 369- KL/TƯ ngày 25/6/2022 của BTV Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; Kết luận số 370- KL/TU ngày 25/6/2022 của BTV Tỉnh ủy về định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực; Kết luận số 389- KL/TƯ ngày 25/6/2022 của BTV Tỉnh ủy về Hội Nông dân với các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, mỗi xã một sản phẩm…
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục vận động, giúp nông dân đẩy mạnh sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, từng bước thay đổi tập quán canh tác truyền thống, khuyến cáo nông dân chuyển đổi nhanh từ hình thức hộ gia đình sang liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ để tăng giá trị sản phẩm cây trồng...
Bình Phước là tỉnh nông nghiệp, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp việc chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu, các loại cây ăn quả; đã tạo nên tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh Bình Phước đang hướng đến mục tiêu là một trong những tỉnh tiên phong về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây công nghiệp, nâng cao hiệu quả nông nghiệp, tạo chuỗi sản xuất lớn, bền vững.
Định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Bình Phước sẽ phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì vậy theo tôi, chúng ta cần tập trung nguồn lực hỗ trợ cho nông dân phát triển nông nghiệp bền vững; tích cực áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; vận động nông dân liên kết với nhau để xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn tại địa phương, xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại… để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.