Diễn đàn

Phong trào góp phần thay đổi diện mạo quê hương

(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) như một làn gió mới lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Hải Dương và đã thu được những kết quả tích cực. Từ phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu mang lại thu nhập cao cho người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương thăm trang trại của gia đình ông Đào Hữu Thuân - “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022. Ảnh tư liệu

Nhiều tấm gương tiêu biểu

Tâm huyết với các sản phẩm của quê hương, hội viên nông dân Trần Đình Khiêm (phường Hiệp Sơn, thị xã Kinh Môn) đầu tư 3ha sản xuất hành, tỏi, lúa nếp cái hoa vàng và gần đây là khu vực chuyên nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo. Hàng năm, gia đình anh Khiêm thu hoạch khoảng 60 tấn hành, tỏi, 24 tấn lúa nếp cái hoa vàng. Cùng với thu mua, sản xuất hàng nông sản, công ty TNHH Một thành viên Phương Khiêm do anh làm giám đốc còn mở rộng lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng chế biến từ nông sản như bột sắn dây, gạo nếp cái hoa vàng, tỏi mật và một số sản phẩm khác. Chỉ tính riêng năm 2021, gia đình anh thu lãi hơn 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 11 lao động và 14 lao động khác theo thời vụ. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình anh còn tích cực tham gia các chương trình phúc lợi xã hội của địa phương như ủng hộ xây dựng 1 công trình đường mương máng cho phường Hiệp Sơn số tiền 325 triệu đồng; Tặng quà cho các hộ nông dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và một số địa phương khác trong thị xã số tiền trên 30 triệu đồng; Ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thị xã Kinh Môn phát động với số tiền 50 triệu đồng; trao tặng nhu yếu phẩm tại các chốt kiểm dịch trị giá 40 triệu đồng; ủng hộ một số vật dụng cho trạm y tế phường Hiệp Sơn trị giá 18 triệu đồng. 

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, ông Đào Hữu Thuân (xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng) luôn tìm cách thích nghi với thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mày mò tìm hướng đi với mô hình nuôi gà thịt giống Lương Phượng lai, gà trắng hậu bị rồi gà đẻ trứng... Đến nay, mô hình kinh doanh tổng hợp của gia đình ông Thuân cho thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/năm. Khu chăn nuôi mở rộng với 6 khu chuồng trại, diện tích 7.000m2. Năm 2020, sản phẩm trứng gà được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đưa lên sàn giao dịch điện tử VOSO do tập đoàn Viettel hỗ trợ. Tại các trang trại ông Thuân sử dụng hệ thống bán tự động máy móc bao gồm chuồng lạnh, nuôi lồng, máy hút gió, máy cung cấp thức ăn. Ngoài ra, gia đình ông còn kinh doanh đại lý cám công nghiệp, mỗi năm cung ứng 2.500 tấn; đại lý cám, gạo mỗi năm cung ứng 9 tấn. Tạo việc làm thường xuyên cho 12 người và 6 lao động thời vụ. Gia đình ông luôn tích cực ủng hộ các quỹ do Hội và địa phương phát động như ủng hộ quỹ khuyến học 100 triệu đồng; các quỹ khác là 15 triệu đồng; ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 60 triệu đồng; đổ 235m đường bê tông nội đồng trị giá 120 triệu đồng…

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân

Trên đây là 2 gương mặt tiêu biểu đã vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn, tôn vinh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 trong hàng ngàn hộ hội viên nông dân làm giàu của tỉnh Hải Dương đã minh chứng cho sự thành công của Phong trào.

Trong thời gian qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh đã đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới. Trong 5 năm qua (2017-2022), Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, cụ thể hoá các nghị quyết, kế hoạch của các cấp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để chỉ đạo, hướng dẫn nhằm duy trì và phát triển phong trào. Công tác tuyên truyền được tập trung trọng tâm, trọng điểm qua các chuyên mục “Nhịp cầu nhà nông” hàng tháng phát trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; các mô hình tập thể, các gương nông dân điển hình được giới thiệu, tuyên truyền thường xuyên thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Tạp chí Nông thôn mới, Báo Nông thôn ngày nay, Báo Hải Dương, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, bản tin Hội Nông dân tỉnh, các nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook..) của Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia phong trào, các cấp Hội cũng có nhiều biện pháp hỗ trợ để phong trào đạt hiệu quả cao. Hội Nông dân tỉnh chủ động tham mưu, đề xuất xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả 5 dự án phát triển kinh tế- xã hội, tiêu biểu như: Dự án hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân vay trên 300 tỷ đồng mua 1.523 máy nông nghiệp các loại, số tiền hỗ trợ lãi suất trên 20 tỷ đồng; Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất gà Mía lai Sasso thương phẩm trên địa bàn huyện Thanh Hà”, quy mô 20 nghìn con; Dự án “Xây dựng mô hình giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn nông hộ”, tổng diện tích được UBND tỉnh hỗ trợ là 3.300m2 đệm lót sinh học, số tiền được hỗ trợ là 1,035 tỷ đồng... 

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với 13 sở, ngành của tỉnh (KH&CN, TN&MT, NN&PTNT, Y tế, BHXH, Liên minh HTX, Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH…) để tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường, giá cả, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm và dạy nghề đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển về lượng và chất đối với phong trào; Tích cực hỗ trợ nông dân tham gia, hưởng lợi từ các chính sách, đề án lớn của tỉnh như: Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”; Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Phát triển diện tích cấy lúa bằng máy trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025”… 

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ cụ thể, trong 5 năm qua, Hội phối hợp tổ chức 228 lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ cho 7.980 lao động nông thôn, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 66,7% (năm 2017) lên 77% (năm 2021); chuyển giao tiến bộ KHKT được 6.813 buổi cho 501.954 lượt người, cung ứng 27.232 tấn phân bón chậm trả, 5.126 tấn thức ăn chăn nuôi cho nông dân; cung ứng hàng triệu cây, con giống các loại cho nông dân.  

Về nguồn vốn sản xuất, giai đoạn 2017-2022, thông qua nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh là 85,38 tỷ đồng cho 3.441 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hiệu quả với các ngân hàng trong thực hiện tín chấp vay vốn; Đến nay tổng dư nợ tại các ngân hàng là 2.369 tỷ đồng cho 32.572 hộ vay, trong đó: dư nợ Ngân hàng CSXH là 1.103 tỷ đồng cho 24.588 hộ vay và dư nợ Ngân hàng NN&PTNT là 1.266 tỷ đồng cho 7.984 hộ vay. Nguồn Quỹ quốc gia về việc làm do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác là 2,015 tỷ đồng cho 68 hộ vay.

 Hướng dẫn, kết nối tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19, các cấp Hội đã liên kết hỗ trợ nông dân tiêu thụ trên 31 nghìn tấn rau, củ, quả; gần 5 nghìn tấn gà, thịt, cá; trên 1,8 triệu quả trứng gia cầm. Hội Nông dân tỉnh phối hợp và Sở NN&PTNT phối hợp với Cục Chế biến nông sản, Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ nông sản với 16 gian hàng giới thiệu, quảng bá hơn 150 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử. 

Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương cùng lãnh đạo Huyện uỷ Kim Thành thăm công ty của ông Nguyễn Văn Nam - “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2021. 

Chất lượng của phong trào ngày càng được nâng cao

Phong trào đã tác động mạnh mẽ đến quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được tổ chức theo hướng xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới. Các hộ SXKDG đã tích cực và đi đầu trong việc xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể. Đến nay, toàn tỉnh có 387 mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, tổ liên kết SXKD, hợp tác xã nông nghiệp sản xuất nông sản an toàn, trong đó Hội Nông dân tỉnh trực tiếp chỉ đạo xây dựng 17 mô hình, tiêu biểu như: Chi hội Nông dân nghề nghiệp - Tổ hợp tác sản xuất cà chua VietGAP xã Nhân Huệ (thành phố Chí Linh); Chi hội Nông dân nghề nghiệp sản xuất cam VietGAP xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện); Chi hội Nông dân sản xuất gạo nếp cái hoa vàng an toàn phường Duy Tân (thị xã Kinh Môn)… Cùng với việc vận động nông dân quy vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, các cấp Hội đã xây dựng và trực tiếp quản lý 15 nhãn hiệu nông sản như: Sắn dây, hành, tỏi Kinh Môn; củ đậu Kim Thành; rươi, cáy Tứ Kỳ…

Điều đáng quý, trong 5 năm qua, phong trào nông dân thi đua SXKDG đã góp phần thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ các hộ nghèo và chung sức xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2017-2022, thông qua phong trào, các hộ khá, giàu đã giúp đỡ 23.134 lượt hộ nông dân nghèo; các cấp Hội đã vận động hộ SXKD, các doanh nghiệp tặng 17.864 suất quà tổng trị giá 4.166,8 triệu đồng cho các hộ hội viên, nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; đóng góp ủng hộ 1.560 triệu đồng xây và sửa chữa 31 nhà ở cho hộ nghèo đồng thời gương mẫu đi đầu cùng với cán bộ, hội viên, nông dân đóng góp xây dựng nông thôn mới được trên 1.200 tỷ đồng, hiến tặng trên 5.400ha đất, gần 1 triệu ngày công lao động. 

Với những kết quả của phong trào  đạt được trong những năm qua, khẳng định rằng, chất lượng của phong trào ngày càng được nâng cao; Thu nhập bình quân/người/năm của các hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi năm 2021 cao hơn 44% so với năm 2017. Ngày càng xuất hiện nhiều hộ SXKD giỏi có thu nhập trung bình/năm ở mức cao từ 300 triệu đồng trở lên. Số lượng các hộ SXKD giỏi đạt mức thu nhập hàng năm từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng tăng 3.915 hộ; hộ đạt mức thu nhập hàng năm trên 1 tỷ đồng tăng 2.589 hộ (so với năm 2017). 

Trong thời gian tới, trước những tác động của dịch bệnh Covid-19 cùng những biến động khó lường của thị trường, Hội Nông dân tỉnh Hải Dương tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào theo hướng sâu sát, cụ thể; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, di sản văn hoá của tỉnh, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, hữu cơ; thúc đẩy chế biến nông sản, liên kết SXKD theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể; tăng cường khai thác nguồn vốn từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; Phối hợp thực hiện các dự án, đề tài khoa học tạo điều kiện cho hội viên, nông dân có thêm các nguồn kinh phí và cơ hội tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới; hỗ trợ cho phong trào SXKD giỏi phát triển vững chắc, đúng hướng. 

Giai đoạn 2017-2022, qua bình xét đã có 653.257 lượt hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp, chiếm 68,5% số hộ đăng ký; trong đó số hộ đạt SXKD giỏi cấp Trung ương 164 hộ, cấp tỉnh 4.234 hộ, cấp huyện 24.822 hộ và cấp cơ sở 101.427 hộ. Đặc biệt, phong trào nông dân SXKDG góp phần xây dựng củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân trong hệ thống chính trị. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh kết nạp được 48.798 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 388.806 hội viên. 
(Theo Hội ND Hải Dương.)
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác