Phum sóc rộn ràng đoàn kết xây dựng quê hương
Các dân tộc thiểu số cùng với dân tộc Kinh sinh sống chan hòa, đoàn kết xây dựng quê hương.
Khu dân cư chuyển mình
Khu dân cư ấp Vĩnh Thuận (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) có 80% dân số là người Khmer sinh sống, diện tích tự nhiên 340,5 ha, trong đó 293,5 ha sản xuất nông nghiệp. Người dân nơi đây chủ yếu sống dựa vào xuất nông nghiệp, dịch vụ và mua bán nhỏ.
Theo ông Danh Phol, Bí thư Chi bộ ấp Vĩnh Thuận, được sự quan tâm đầu tư về hạ tầng nông nghiệp, giao thông cùng với sự đoàn kết của người dân trong sản xuất nông nghiệp, giữ gìn an ninh trật tự…, đời sống của người dân trong khu dân cư từng bước nâng lên. Hiện, toàn ấp chỉ còn 2 hộ nghèo, chiếm 0,68% dân số. Ngoài ra, người dân ấp Vĩnh Thuận cùng nhau hiến đất, ngày công xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, giữ gìn an ninh trật tự nơi phum sóc, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tuy đã hơn 60 tuổi, nhưng ông Dương Lên (ấp Vĩnh Thuận) luôn tham gia đầy đủ các phong trào do chính quyền địa phương phát động. Bày tỏ niềm vui trước sự thay đổi của quê hương, ông chia sẻ: “Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, đường giao thông, trường học, trạm y tế khá khang trang. Từ đó giúp người dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, con em được học hành… Trách nhiệm của mỗi người dân là đoàn kết, cần cù lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Nhà nước”.
Thị xã Ngã Năm có 61 khu dân cư. Những năm qua, cùng với sự đầu tư từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chính quyền địa phương luôn quan tâm phát triển hạ tầng sản xuất nông nghiệp giúp tạo điều kiện cho người dân phát triển khá toàn diện.
Ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm cho hay, bên cạnh sự quan tâm đầu tư nguồn vốn từ Trung ương, UBND tỉnh Sóc Trăng, có sự đồng tình cao trong nhân dân về việc hiến đất, sẵn sàng bàn giao mặt bằng khi thực hiện các công trình. Từ đó, thị xã Ngã Năm mới thuận lợi trong việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, mở ra nhiều tiềm năng để thu hút sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp. Hiện, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của thị xã ở mức 13,38%; thu nhập bình quân đầu người 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3,5% dân số.
Phát huy tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc
Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, Tỉnh ủy luôn quán triệt quan điểm của Đảng “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu, là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Công tác chăm lo cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào Khmer luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh quan tâm, thực hiện thường xuyên.
Đại đức Lý Thành, Trụ trì chùa Tà On (huyện Mỹ Tú) cho biết, đồng bào Khmer ở địa phương cùng cộng đồng dân tộc anh em luôn có sự gắn bó với nhau trong cuộc sống, sản xuất... Đại đức cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động nhân đạo từ thiện do Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương phát động. Đồng thời, Đại đức cũng tuyên truyền đến phật tử về tinh thần đoàn kết, gắn bó trong xóm, ấp, tích cực vận động phật tử sống và làm việc theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cùng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Những ngày đầu tháng 11, khi thời tiết se lạnh, từ sáng sớm, đồng bào các dân tộc Khmer, Hoa và Kinh ở khóm Xẻo Me (phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu) đã nô nức đến tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương.
Theo ông Trà Pôl, Trưởng Ban công tác Mặt trận khóm, Xẻo Me có trên 72% dân số là người dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Khmer chiếm 45,8%, dân tộc Hoa chiếm 37,1%. Hiện, toàn khóm chỉ còn 8 hộ nghèo chiếm 1,55% dân số. Ông Trà Pôl cho biết, hằng năm cứ vào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, bà con ở phum, sóc cùng nhau tham gia ngày hội, cùng chung vui “Bữa cơm đoàn kết”.
Bữa cơm được tổ chức từ nguồn đóng góp của người dân ở khu dân cư, với những món ăn đơn giản nhưng mang đậm nét truyền thống của ẩm thực quê hương. Qua đó, tình cảm người dân trong các khu dân cư càng thêm gắn bó; người dân tiếp tục phát huy tinh thần thi đua phấn đấu hoàn thành tốt trách nhiệm đối xã hội, cùng nhau xây dựng quê hương bình yên.
Ông Trương Văn Hiệp, khóm Xẻo Me chia sẻ, Ngày hội đã thực sự tạo không khí vui tươi, thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng ở khu dân cư. Ngày hội còn tạo sự gắn bó mật thiết giữa chính quyền địa phương với nhân dân…, từ đó tăng cường niềm tin người dân với Đảng, Nhà nước.
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện toàn tỉnh có 772 khu dân cư và hằng năm 100% khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút trên 100.000 người tham dự. Ngày hội năm nay ở các khu dân cư được chuẩn bị chu đáo cả về nội dung lẫn hình thức, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, huy động được sự tham gia của cả cộng đồng.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Lâm Đồng: Phấn đấu đến cuối năm 2025 có 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới
- Bắc Giang: Phát động Cuộc thi “Đường nông thôn mới kiểu mẫu huyện Tân Yên” giai đoạn 2024-2026
- Tái cơ cấu nông nghiệp: Chìa khóa xây dựng nông thôn mới ở Long An
- Lâm Đồng: Tổ chức sản xuất và thu nhập của người dân nông thôn được nâng cao