Giải trí

Quan niệm mâm ngũ quả chưng ngày Tết của ba miền đất nước

13:23 21/01/2023 GMT+7
Bên cạnh các món ăn truyền thống, mâm ngũ quả cũng là một phần đặc trưng không thể thiếu để gợi nhớ đến phong vị ngày Tết. Tùy thuộc vào đặc trưng của văn hóa, địa lý, mỗi vùng miền trên cả nước lại có có cách bày trí mâm ngũ quả khác nhau về cả hình thức lẫn ý nghĩa.

Từ lâu, bày mâm ngũ quả dâng lên cúng tổ tiên trở thành một phong tục truyền thống của người Việt. Mâm ngũ quả là mâm quả cúng lễ gồm 5 loại trái cây khác nhau, đại diện cho nguyện ước, mong muốn của gia chủ trong năm mới và bày tỏ lòng thành kính hướng về nguồn cội. 

Lý giải tại sao dùng ngũ mà không phải tam, lục, thất, bát, PGS.TS Nguyễn Huy Thiệu, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho biết 5 thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ hành Kim - Mộc - Thủy -  Hỏa - Thổ, ứng với mệnh của con người. Số lẻ thuộc dương, cụ thể số 5 đứng vào chữ sinh, tượng trưng cho sự phát triển sinh sôi.

Theo như quan niệm của Phật giáo, 5 loại trái cây tượng trưng cho ngũ căn, mang nhiều ý nghĩa: Tín  (lòng tin), Tấn (ý chí kiên cường), Niệm (ghi nhớ), Định (tâm không loạn), Huệ (sáng suốt).

Ngoài ra số 5 cũng tượng trưng cho ước muốn đón ngũ phúc vào nhà. Ngũ phúc gồm phú (giàu có), quý (địa vị sang trọng), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình an). 

Theo truyền thống Việt Nam, mâm ngũ quả được xem như một phần quan trọng trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mang ý nghĩa sâu sắc về sự đoàn viên, sung túc cũng như gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp, hy vọng vào một năm mới an khang, đủ đầy.

Mâm ngũ quả miền Bắc: Dựa theo quy luật âm dương 

Mâm ngũ quả miền Bắc thường được chọn theo số lẻ, có nải chuối xanh làm trọng như bàn tay Phật ngửa lên để che chở, mang phúc lộc cho gia chủ, tượng trưng cho hành mộc cùng các loại quả khác được bày trí xung quanh. Những loại trái cây bày trên mâm ngũ quả được chọn theo số lẻ, xếp so le nhau. 

Người miền Bắc kiêng bày các loại quả có mùi, gai nhọn, thân xù xì vì quan niệm chúng có thể đem tới vận xui.

Mâm ngũ quả miền Trung: Mùa nào thức nấy

Khác với miền Bắc hay miền Nam, người miền Trung thường bày mâm ngũ quả đơn giản, không quá cầu kỳ và câu nệ, mùa nào thức nấy với quan niệm chỉ cần gia chủ thành tâm dâng cúng tổ tiên. Do chịu sự giao thoa văn hóa hai miền Bắc - Nam nên mâm ngũ quả của người miền Trung cũng bày biện đủ các loại quả như chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…

Mâm ngũ quả miền Nam: Dựa theo cách phát âm các loại quả

Ngược lại, người miền Nam ít chú ý tới số quả và màu sắc, mà thường lựa quả theo cách phát âm. Tất cả vật trang trí đều đi theo cặp. Theo Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, mâm ngũ quả ở miền Nam sẽ gồm những quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài, tương ứng với cách phát âm "cầu sung vừa đủ xài". Ngoài ra, có thể thêm quả dứa (quả thơm) thể hiện sự vững vàng và mong muốn con cháu đầy nhà.

Mâm ngũ quả người miền Nam thiếu vắng quả chuối vì phát âm tiếng miền Nam gần giống "chúi" thể hiện sự khó khăn, làm ăn không phất. Ngày Tết, cũng ít người trưng quýt, lê, táo với tâm niệm "quýt làm cam chịu"; lê, táo (bom) thì thất bát.

Bên cạnh mâm ngũ quả, trên bàn thờ tổ tiên và thánh thần luôn có cặp dưa hấu. Trái dưa căng tròn, vỏ xanh ruột đỏ tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn đầu năm. Ngày nay, nhiều gia đình thích đổi mới bằng cách mua thêm dưa hấu vàng và dưa hấu hình vuông để mâm ngũ quả ngày Tết thêm phong phú.

Mâm hoa quả trên bàn thờ ngày Tết của ba miền tuy có sự khác nhau nhưng tất cả đều chung một mục đích là hướng về nguồn cội, nhớ ơn tổ tiên, cầu mong năm mới nhiều điều thuận lợi./.

Theo VOV

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác