Xuất khẩu hạt điều Việt Nam năm 2024 lập kỷ lục, tiếp tục dẫn đầu thế giới
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 730 nghìn tấn, trị giá 4,37 tỷ USD. So với năm 2023, lượng xuất khẩu tăng 13,3%, trong khi giá trị tăng 20,2%. Giá bình quân xuất khẩu hạt điều đạt khoảng 6.003 USD/tấn, tăng 6,1% so với năm trước.
Bứt phá tại các thị trường lớn, hạt điều Việt Nam lan tỏa toàn cầu
Hiện nay, hạt điều nhân của Việt Nam đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong 11 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường lớn như châu Á, châu Mỹ và châu Âu đều ghi nhận tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, khu vực châu Mỹ đạt mức tăng mạnh nhất với lượng xuất khẩu tăng 25,7% và giá trị tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ngược lại, xuất khẩu hạt điều sang châu Đại Dương và châu Phi giảm.
Xuất khẩu hạt điều sang các thị trường truyền thống và tiềm năng như Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 179.000 tấn hạt điều sang thị trường Hoa Kỳ, trị giá 1,07 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng xuất khẩu tăng 24,4%, trong khi giá trị tăng 31,6%.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 117.000 tấn, trị giá 687,84 triệu USD, tăng 18,9% về lượng và 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Ngành hạt điều Việt Nam cũng tận dụng tốt cơ hội tại thị trường EU, với sự tăng trưởng xuất khẩu sang nhiều quốc gia thành viên như Hà Lan, Đức và Tây Ban Nha. Đây là những thị trường quan trọng, góp phần duy trì sự tăng trưởng ổn định của ngành.
Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định, dù đối mặt với nhiều khó khăn về mùa vụ và thị trường trong năm qua, xuất khẩu nhân điều vẫn đạt thành tích ấn tượng, nằm trong nhóm 7 mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu trên 3 tỷ USD của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2024 đạt kỷ lục 4,37 tỷ USD, tăng 20,2% về lượng và 13,3% về trị giá so với năm 2023.
Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới trong năm thứ 18 liên tiếp, chiếm hơn 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu.
Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, khẳng định: "Năm 2024, Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới và chiếm trên 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu."
Việt Nam duy trì được vị trí số 1 thế giới nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngành chế biến điều thô thành nhân điều xuất khẩu. Công nghệ hiện đại đã thay thế hầu hết lao động thủ công, giúp tăng hiệu quả sản xuất. Hiện tại, tổng công suất chế biến điều của Việt Nam đạt khoảng 2 triệu tấn/năm và đang tăng trưởng với tốc độ nhanh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích trồng điều trên cả nước hiện vượt 300.000 ha, tập trung tại hơn 20 tỉnh, thành phố. Bình Phước là tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất, với hơn 150.000 ha, đóng vai trò trọng điểm trong sản xuất điều của cả nước.
Để duy trì thành công trong xuất khẩu, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng điều nội địa, Việt Nam cũng đầu tư lớn vào nhập khẩu điều thô từ nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng tăng.
Xu hướng ăn vặt lành mạnh mở ra cơ hội mới cho ngành Điều Việt Nam
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi hơn 3 tỷ USD để nhập khẩu hơn 2,3 triệu tấn điều nguyên liệu.
Về thị trường nhập khẩu điều nguyên lệu chính, Campuchia trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Việt Nam với hơn 818 nghìn tấn, trị giá hơn 1,06 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, lượng nhập khẩu tăng 34%, giá trị tăng 28%. Giá bình quân đạt 1.302 USD/tấn, giảm 4%. Ngành điều Campuchia phát triển nhanh chóng, đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung cho Việt Nam.
Bờ Biển Ngà đứng thứ hai với hơn 579 nghìn tấn, trị giá hơn 719 triệu USD. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu giảm 32% và giá trị giảm 20%. Giá bình quân tăng 20% lên 1.258 USD/tấn.
Xếp thứ ba là Ghana, cung cấp hơn 268 nghìn tấn với giá trị hơn 307 triệu USD. Lượng nhập khẩu tăng 8,3% và giá trị tăng 16%. Giá bình quân đạt 1.143 USD/tấn, tăng 7%.
Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định nhu cầu nhập khẩu hạt điều từ các thị trường lớn sẽ tiếp tục tăng, tạo cơ hội lớn cho ngành Điều Việt Nam. Theo straitsresearch.com, quy mô thị trường hạt điều toàn cầu ước đạt 7,78 tỷ USD năm 2024 và dự kiến tăng lên 11,67 tỷ USD vào năm 2033, với mức tăng trưởng bình quân 4,6%/năm trong giai đoạn 2025-2033.
Sự gia tăng xu hướng ăn vặt lành mạnh trên thế giới đã thúc đẩy nhu cầu về các loại hạt bổ dưỡng, trong đó có hạt điều. Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hạt điều nhờ giá trị dinh dưỡng cao và lợi ích sức khỏe. Điều này mở ra cơ hội lớn cho ngành Điều Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hạt điều đang được các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống trên thế giới sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm như bánh quy, bánh ngũ cốc, lớp phủ trên kem, sản xuất bơ hạt điều, đồ ăn nhẹ, bánh kẹo và các sản phẩm bánh mì.
Với xu hướng này, nhu cầu nhập khẩu hạt điều từ các thị trường lớn được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, tạo điều kiện để ngành Điều Việt Nam bứt phá mạnh mẽ. Việt Nam hoàn toàn có thể vững vàng ngôi vị "Vua điều" thế giới, nếu biết chủ động nguồn cung, đầu tư vào khoa học công nghệ và mở rộng thị trường.