Quảng Bình: Hàng nghìn hec-ta lúa bị đổ sạp do mưa gió
Ghi nhận tại cánh đồng lúa Đông Xuân ở xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh) rộng vài chục ha đang chuẩn bị được thu hoạch thì cơn gió lốc ngày 1/5 đã làm cho lúa toàn bộ cánh đồng đều nằm sạp xuống. Nhiều hộ dân tỏ ra lo lắng vì lúa đã chín rũ chỉ chờ thu hoạch mà giờ đổ gãy như thế nếu không có nắng để thu hoạch thì mất mùa là điều dễ hiểu.
Trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022 do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, thời tiết có những diễn biến bất thường. Mưa và gió lớn đã làm hàng ngàn ha lúa đang chín chờ gặt hoặc đã bắt đầu cúi đòng bị đổ rạp. Trước hàng loạt cánh đồng lúa bị gió và mưa lớn san phẳng nguy cơ mất mùa lộ rõ khiến cho người nông dân “chân lấm tay bùn” chăm bẵm bấy lâu nay hết hi vọng về một mùa màng bội thu.
Trước tình hình đó, chiều 3/5, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp kiểm tra tình hình tại các địa phương. Qua số liệu thống kê, mưa lớn và gió đã làm ngã đổ hơn 3.500 hec-ta lúa: Cụ thể: Quảng Ninh 1.700 hec-ta, Lệ Thuỷ 741 hec-ta, Bố Trạch 530 hec-ta, TP. Đồng Hới 282 hec-ta, Tuyên Hoá 170 hec-ta,...Ngoài ra, mưa lớn cũng đã làm hơn 240 hec-ta ngô và các loại cây trồng khác của người dân trong toàn tỉnh bị đổ.
Qua trao đổi, ông Minh cho biết: “Hiện tại, huyện Quảng Ninh thiệt hại nặng nhất, kế đến là huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch...Để kịp thời cứu lúa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa gió gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khẩn trương chỉ đạo, khuyến cáo bà con nông dân tích cực khắc phục bằng cách thoát nước, tiêu úng nước trong ruộng càng sớm càng tốt. Còn đối với những diện tích lúa bị ngã đổ đang chín tới, bà con chủ động gặt hái, thu hoạch sớm. Phần diện tích lúa còn xanh khắc phục bằng cách buộc và dựng lại thành từng cụm cho khóm lúa thẳng lên nhằm hạn chế thiệt hại”.
Tại huyện Bố Trạch có trên 530 hec-ta lúa và nhiều hec-ta các loại cây trồng khác như kê, ngô, ớt,.. bị gãy đổ, ngập úng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bố Trạch đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân khắc phục diện tích bị đổ rạp và tích cực thăm đồng, thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin dự báo thời tiết để chủ động các biện pháp bảo vệ lúa”.
Nhìn cánh đồng hơn 3 sào lúa đang làm đòng bị đổ sạp nằm lẫn với nước, bà Hoàng Thị Lan ở xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch) ngậm ngùi: “Nhà làm được 6 sào ruộng, 3 sào lúa đẹp nhất áp dụng giống mới giờ gió làm đổ nằm ngập nước như thế này thì năm nay coi như mùa màng thất bát rồi. Làm nông chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, công sức chăm bẵm thời gian qua gần như công cốc. Lúa đang giai đoạn ngậm sữa mà gãy đổ thì năng suất rất hạn chế. Giờ chỉ có thể dựng lại buộc thành từng cụm và tháo cạn nước để cho thân cây lúa cứng lại. Bây giờ chỉ cầu mong thời tiết không mưa, không gió để cho bà con vớt lại chút của cải và công sức bỏ ra chăm bẵm lâu nay”.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, ngành chuyên môn đã kịp thời chỉ đạo chính quyền cơ sở hướng dẫn bà con nông dân tập trung khắc phục thiệt hại. Đồng thời, hỗ trợ bà con trong vấn đề chăm sóc cây sau bị gãy đổ để giảm thiểu thiệt hại tốt nhất cho bà con.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi