Xã hội

Quảng Nam: Gần 600 tỷ đồng hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn

10:00 06/01/2019 GMT+7
Nhằm tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu; nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng trồng sản xuất nâng cao giá trị gia tăng ngành Lâm nghiệp. Tỉnh Quảng Nam vừa Phê duyệt Kế hoạch hỗ

Nhằm tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu; nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng trồng sản xuất nâng cao giá trị gia tăng ngành Lâm nghiệp. Tỉnh Quảng Nam vừa Phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2019-2020. Tổng nhu cầu vốn là 565.303.000.000 đồng. 

Tỉnh Quảng Nam khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng, chế biến lâm sản theo chuỗi giá trị

Giai đoạn 2019 – 2020, Quảng Nam thực hiện việc hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 10.000 ha và 9.320 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, đưa tăng trưởng rừng của Quảng Nam đạt trên 20 m3/ha, doanh thu kinh doanh rừng lên mức khoảng từ 20 – 25 triệu đồng/ha/năm.

Việc hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng sẽ được thực hiện tại 12 huyện của Quảng Nam gồm: Phước Sơn, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Phú Ninh và Thăng Bình.

Chính sách, điều kiện và nguyên tắc hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn gồm: Trồng các loài cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi). Mức hỗ trợ đối với các xã trong khu vực biên giới là 10 triệu đồng/ha, các xã ngoài khu vực biên giới 8 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm 500.000 đồng/ha/4 năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc); Hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng: 300.000 đồng/ha; Hỗ trợ lập, thẩm định dự án trồng rừng sản xuất 100.000 đồng/ha; Hỗ trợ hoàn công và số hóa bản đồ 50.000 đồng/ha; Hỗ trợ chi phí quản lý nghiệm thu 10% tổng mức đầu tư.

Đối với mức hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng là 70% chi phí, tối đa không quá 300.000 đồng/ha với quy mô tối thiểu 100 ha trở lên (cho rừng tự nhiên, rừng trồng). Hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/1 cơ sở sản xuất giống nuôi cấy mô xây dựng mới.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn là tổ chức (Doanh nghiệp, Hợp tác xã lâm nghiệp…), hộ gia đình, cá nhân có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao, hoặc được thuê và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã sử dụng đất ổn định trong vòng 03 năm trở lên không có tranh chấp và phải cam kết trồng đúng mật độ quy định và đảm bảo tỷ lệ cây sống từ 85% trở lên (ngoại trừ trường hợp cây chết do các nguyên nhân bất khả kháng).

Việc hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ được thực hiện tại 12 huyện miền núi của Quảng Nam

Đối tượng được hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích rừng trồng. Thực hiện trồng rừng gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi). Tự nguyện tham gia và cam kết tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn về chứng chỉ rừng. Quy mô diện tích tối thiểu 100 ha rừng trồng trở lên đối với doanh nghiệp, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình.

Đối với Trung tâm sản xuất giống nuôi cấy mô, diện tích đất tập trung xây dựng Trung tâm tối thiểu là 3,0 ha (bao gồm đất để xây dựng nhà, xưởng, đất làm vườn ươm); nuôi cấy mô có quy mô sản xuất tối thiểu 1 triệu cây giống/năm. Vốn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải tham gia ít nhất 30% trong tổng mức đầu tư xây dựng Trung tâm giống.

Trường hợp rừng trồng bị thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng, hoặc rừng trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh ngoài việc không phải hoàn trả chi phí được hỗ trợ, chủ rừng còn được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Toàn bộ diện tích rừng trồng gỗ lớn được khai thác sau 10 năm tuổi và sản phẩm gỗ rừng trồng sẽ cung cấp cho các nhà máy chế biến sâu (Ván ép, ván ghép thanh…) trên địa bàn Quảng Nam, kỳ vọng đưa tỷ trọng ngành lâm nghiệp của địa phương trong cơ cấu ngành nông nghiệp từ 8,3% năm 2017 lên 8,5% vào năm 2020.

Nguồn TNMT

Tin cùng chuyên mục
Tin khác