Xã hội

Quảng Trị: 45 căn nhà tái định cư ở huyện miền núi vắng bóng người

Đức Thủy - 07:48 07/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Dù được cấp những căn nhà bán kiên cố, nhưng người dân ở khu tái định cư Raky - Rào (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lại quay trở về làng cũ sinh sống vì thiếu đất sản xuất.

Có lẽ đến bây giờ, khi nhắc đến trận mưa lũ năm 2020 thì không ít những người dân sinh sống gần suối Ta Bang và khe Ra Lu (xã Hướng Sơn) vẫn không khỏi bàng hoàng. Sau những cơn mưa kéo dài hàng tháng trời, nhiều ngôi nhà của người dân đã bị sập hoặc xiêu vẹo, hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sạch sinh hoạt bị cuốn trôi hoàn toàn,… Cùng với đó là nguy cơ sạt lở đất đá tại ngọn núi Ta Bang khi xuất hiện vết đứt gãy kéo dài hàng trăm mét.

Để đảm bảo nơi ở an toàn cho người dân yên tâm sinh sống, năm 2021, UBND xã Hướng Sơn đã đầu tư và xây dựng, hoàn thành khu tái định cư Raly – Rào, tạo chỗ ở cho 45 hộ gia đình. Dự án được thực hiện bằng nhiều nguồn vốn khác nhau với tổng mức đầu tư trên 6,7 tỷ đồng.

Khu tái định cư bị bỏ hoang
Khu TĐC Raly - Rào được đầu tư hàng tỷ đồng để di dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu tái định cư thôn Raly - Rào nằm ngay bên tuyến đường vào trung tâm xã Hướng Sơn, được xây dựng khá kiên cố với hệ thống giao thông và điện, nước đã hoàn chỉnh. Thế nhưng, khi tiến vào bên trong lại thiếu bóng người, hầu hết các căn nhà được khóa kín cửa, kính bể nát, bên trong trống trải.

Nằm ngay bên đường vào khu tái định cư, điểm trường Raly – Rào được xây dựng khang trang nhưng các cánh cửa lớp đóng kín, sân trường chỉ có cỏ như chưa có một bước chân người. Nhìn vào bên trong lớp học qua ô kính, bảng phấn, bàn ghế nền nhà bụi phủ kín.

Hầu hết các căn nhà được khóa kín cửa, kính bể nát

Đi gần tới cuối con đường khu tái định cư, một người phụ nữ đang ngồi bồng đứa con trước hiên nhà, có lẽ đây là hộ hiếm hoi còn ở lại nơi đây. Khi được chúng tôi hỏi, chị Xa La Mê mới cho hay, ngoài gia đình chị thì ở khu này chỉ có thêm một nhà nữa, đó chính là ngôi nhà người anh trai của chồng cách đó không xa.

“Cách đây không lâu là 3 nhà có người ở, nhưng rồi họ cũng chuyển đi, hiện chỉ còn nhà mình với anh trai ở đây vì căn nhà của mình và anh trai trong đợt lũ năm 2020 đã bị vùi lấp, không có nhà nên phải ở đây thôi chứ đi làm ruộng, làm rẫy phải đi xa lắm. Các hộ khác họ còn nhà ở bản cũ nên họ bỏ nơi này để qua đó cho gần nương, gần rẫy”, chị Mê nói.

45 căn tái định cư chỉ có hai gia đình sinh sống.

Để tìm hiểu thêm thông tin, chúng tôi đã tìm tới bản cũ. Ông Hồ Chia đang ngồi vót tre làm vật dụng hàng ngày cho hay nhà ông được 400m2 ở khu tái định cư thì làm sao mà sinh sống. “Không có đất thì đói với lại ở đó không có người ở, buồn lắm! nên mình chuyển về bản cũ ở gần con, ở gần đất. Biết là ở đây rất nguy hiểm mỗi khi mưa xuống, nhưng ở đây quen rồi, nương rẫy cũng ở đây nên không rời đi được” ông Chia nói.

Được biết, khu tái định cư này chỉ bớt im ắng khi vào thời điểm có mùa mưa bão. Lúc đó, nhiều hộ dân cũng trở lại đây ở vì lo ngại sạt lở, nhưng được dăm hôm, những hộ dân lại kéo nhau về làng cũ. Những căn nhà xây khang trang vì thế cũng dần bỏ hoang, hư hỏng, lũ trẻ cũng theo chân ông bà, bố mẹ vào ruộng rẫy ở làng cũ, thế nên điểm trường cũng vắng bóng học sinh đến lớp.

thon Raly_Rao
Mặc dù được cấp những căn nhà khang trang nhưng người dân vẫn về lại bản cũ, gần suối Ta Bang và khe RaLu để sinh sống.

Ông Lê Trọng Tường, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho biết, trên địa bàn xã vẫn có 7 điểm nguy cơ sạt lở cao đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân. Đặc biệt, trên địa bàn xã có 45 hộ với 171 khẩu sinh sống gần suối Ta Bang và khe Ra Lu hết sức nguy hiểm. Ngọi núi Ta Bang đã xuất hiện vết đứt gãy kéo dài hàng trăm mét gây nguy cơ sạt lở đất đá vào mùa mưa lũ.

Khu tái định Raly – Rào với 45 căn nhà được xây dựng sau khi có sự thống nhất của người dân, kinh phí hoàn thiện từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm và một phần nguồn ngân sách. Các hạng mục của khu tái định cư đều đạt chất lượng nhưng để lâu không có người ở sẽ gây lãng phí tài sản. Xã đã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con đến sinh sống ổn định tại khu tái định cư nhất là vào thời điểm mưa lũ.

“Hiện tại, Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 đã bàn giao 220ha cho huyện Hướng Hóa, huyện cũng đã giao một phần cho xã Hướng Sơn quản lý. Từ phần đất quản lý này xã sẽ khẩn trương rà soát lại nhu cầu đất sản xuất nông nghiệp của từng hộ gia đình, từ đó có kế hoạch cấp đất canh tác cho bà con tại khu tái định cư Raly – Rào canh tác” ông Tường chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác