Một số quy định mới về chế độ chính sách trợ giúp xã hội
Những vấn đề liên quan đến chính sách mới này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai (giảng viên Học viện Tư pháp) đã có những trao đổi cụ thể:
Tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội lên 500.000 đồng/tháng
Bạn đọc Ngô Văn Trường (Hà Giang): Được biết mới đây Nhà nước nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho các đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Đề nghị cho biết mức chuẩn được nâng lên bao nhiêu? Và được hưởng từ ngày nào?
Đúng như bạn đã biết, ngày 01 tháng 7 năm 2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP (Nghị định mới), sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo quy định cũ thì: Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 là 360.000 đồng/tháng. Còn theo quy định mới thì: Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 là 500.000 đồng/tháng.
Đối tượng thụ hưởng tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội
Bạn đọc A Tu (Gia Lai): Tôi là người khuyết tật, được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Được biết Nhà nước nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội, vậy tôi có thuộc diện được nâng không? Cách tính trợ cấp xã hội hàng tháng có thay đổi gì không?
Tại khoản 2, Điều 2, Nghị định số 76/2024/NĐ-CP thì: Các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 6, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 (mức chuẩn theo quy định mới là 500.000 đồng/tháng)
Theo quy định tại khoản 1, Điều 6 và khoản 6 Điều 5, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thì “ Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.” thuộc đối tượng áp bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Căn cứ các quy định nêu trên thì người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật được áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. (tức là thuộc đối tượng được hưởng mức chuẩn trợ giúp xã hội 500.000 đồng/tháng).
Về thì cách tính trợ cấp xã hội hàng tháng: Cũng theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thì cách tính trợ cấp xã hội hàng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng
Bạn là người khuyết tật hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng nên hệ số được tính theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 6, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Cụ thể là:
+ Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
+ Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
+ Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật nặng;
+ Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.
Các bạn lưu ý: Ngoài người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật (quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thì còn các đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng quy định tại các khoản 1,2,3,4,5,7,8 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP cũng thuộc đối tượng được hưởng mức chuẩn trợ giúp xã hội 500.000 đồng/tháng. Các đối tượng đó gồm:
- Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật;
- Người thuộc diện quy định trên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
- Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.
- Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi …
- Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây: Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;…
- Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1,3 và 6 Điều nay đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
- Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Áp dụng mức chuẩn mới đối với một số chế độ, chính sách.
Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng (Hải Dương): Đề nghị cho biết, khi mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng lên thì các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội khác có được nâng lên không? Nếu có thì đó là những chế độ gì?
Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 76/2024/NĐ-CP quy định: “Các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 11, khoản 1 Điều 13, khoản 1 và 2 Điều 14; khoản 1 Điều 19; khoản 1 và 2 Điều 20; khoản 1 và 3 Điều 25 và các điều khoản có liên quan khác quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.”
Theo quy định này thì ngoài chính sách đã nêu ở phần trả lời trên (khoản 1 Điều 6) thì các chính sách trợ giúp khác gồm: Hỗ trợ mai tang phí (Điều 11); Hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng (khoản 1 Điều 13); Hỗ trợ phí mai tang (khoản 1 và 2 Điều 14); Chế độ đối với đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng (khoản 1 Điều 19); Chế độ đối với hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng (khoản 1, 2 Điều 20); Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội (khoản 1 và 3 Điều 25) quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP sẽ được áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội 500.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, đối tượng đang hưởng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số20/2021/NĐ-CP được điều chỉnh hưởng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
*THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2014/QĐ - TTG