Chế độ của nhân viên tiếp cận cộng đồng trong dự phòng lây nhiễm HIV
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mai (giảng viên Học viện Tư pháp) đã có cuộc trao đổi cụ thể về những quy định tại Nghị định này.
Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã quy định các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, tuy nhiên đây mới là quy định mang tính nguyên tắc. Vậy Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết vấn đề này thế nào, thưa Tiến sĩ?
Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV đã được quy định tại Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2021. Còn tại Nghị định số 141/2024/NĐ-CP, quy định thêm các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV (tại Chương II Nghị định này), bao gồm:
- Tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệt giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV
- Tiêu chuẩn, thẩm quyền và thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng
- Các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao.
Theo quy định tại Nghị định số 141/2024/NĐ-CP thì các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được tổ chức thực hiện thế nào?
Việc tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được quy định tại Nghị định số 141/2024/NĐ-CP gồm:
- Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su
- Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch
- Liệu pháp tâm lý cho người sử dụng ma túy.
Việc cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch miễn phí cho người nghiện chích ma túy đã được quy định tại Điều 9, Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 06 năm 2007. Vậy so với Nghị định số 141/2024/NĐ-CP, thì quy định này có gì mới?
Có một số điểm mới đó là:
+ Nghị định số 108/2007/NĐ-CP quy định bơm kim tiêm sạch được các chương trình, dự án cung cấp miễn phí cho người nghiện chích ma túy thông qua các nhân viên tiếp cận cộng đồng. Và họ cũng là người hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch. Còn tại Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định: Việc cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy ngoài nhân viên tiếp cận cộng đồng còn có nhân viên Y tế.
+ Nghị định số 141/2024/NĐ-CP còn quy định thêm một hình thức cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy là “Bán thương mại bơm kim tiêm sạch theo quy định của pháp luật về quản lý thiết bị y tế.”
Ngoài ra Nghị định số 141/2024/NĐ-CP còn quy định rất rõ về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trên địa bàn quản lý thực hiện các nhiệm vụ , chủ trì, phối hợp với cơ quan: Công an; Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai hoạt động cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch trong can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; quản lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia triển khai hoạt động cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch trong can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; giám sát, theo dõi, đánh giá, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện hoạt động cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch trong can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.
Nhân viên tiếp cận cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong việc giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, bởi vậy họ cần phải có kỹ năng, tiêu chuẩn cần thiết. Tuy nhiên Nghị định số 108/2007/NĐ-CP (hết hiệu lực thi hành, kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024) chỉ quy định quyền, trách nhiệm của họ, mà không quy định về tiêu chuẩn của nhân viên tiếp cận cộng đồng . Vậy Nghị định mới có khắc phục điều này?
Đúng là như thế! Để khắc phục vấn đề này, ngoài việc quy định về tiêu chuẩn nhân viên tiếp cận cộng đồng, Nghị định số 141/2024/NĐ-CP còn quy định rất cụ thể về thẩm quyền và thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng.
Theo quy định tại Điều 6, Nghị định này thì nhân viên tiếp cận cộng đồng phải có tiêu chuẩn sau:
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên;
- Tự nguyện tham gia các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
- Đã được tập huấn kiến thức về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.
Theo quy định mới thì nhân viên tiếp cận cộng đồng có nhiệm vụ gì?
Đây là điểm rất mới, so với Nghị định số 108/2007/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định số 141/2024/NĐ-CP thì nhân viên tiếp cận cộng đồng có nhiệm vụ sau:
+ Tham gia tuyên truyền về can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV;
+ Tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị định này.
Nhân viên tiếp cận cộng đồng được hưởng chế độ gì?
Đây cũng là điểm mới mà Nghị định số 108/2007/NĐ-CP không quy định. Tại Khoản 2, Điều 12 Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định như sau:
- Nhân viên tiếp cận cộng đồng khi thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV được hưởng chế độ phụ cấp và được cung cấp thiết bị, dụng cụ trong quá trình làm việc từ các chương trình, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp không có các chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí, căn cứ tình hình dịch HIV/AIDS và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chế độ chi trả phụ cấp đối với nhân viên tiếp cận cộng đồng theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.