Xã hội

Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế luôn được đảm bảo

23:38 11/11/2018 GMT+7

Trước thông tin liên quan đến Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) kết dư gần 39.000 tỷ đồng và có ý kiến cho rằng danh mục thuốc BHYT còn hạn chế, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định trong mọi trường hợp, quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) của người có thẻ BHYT luôn được đảm bảo đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, cho dù quỹ BHYT có bội chi hay kết dư.

Danh mục thuốc chi trả cho bệnh nhân BHYT hiện nay có khoảng 1.000 loại, khá cao so với nhiều nước trên thế giới, trong khi đó mức đóng của Việt Nam khá thấp (gần 800.000 đồng/năm, chưa đầy 40 USD). Ảnh: ST.

10 tháng thu hơn 264.000 tỷ đồng

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2018, công tác thu và phát triển đổi tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,19 triệu người; BHXH tự nguyện là 251 nghìn người; BH thất nghiệp là 12,13 triệu người; BHYT là 82,33 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 87,62% dân số.

Trong tháng 10, ngành BHXH đạt doanh thu 26.235 tỷ đồng. Lũy kế hết tháng 10/2018, đạt doanh thu 264.462 tỷ đồng, đạt 80,1% kế hoạch cả năm. Trong đó, thu BHXH là 175.152 tỷ đồng, thu BH thất nghiệp là 12.417 tỷ đồng, thu BHYT là 76.892 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 10/2018, kinh phí ước chi cho khám, chữa bệnh BHYT đạt gần 81 nghìn tỷ đồng.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, BHXH đã giải quyết 101.766 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 676.605 người hưởng trợ cấp 1 lần; 8.025.482 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; cả nước có khoảng 15,07 triệu lượt người KCB BHYT; lũy kế 10 tháng đầu năm có 146,552 triệu lượt người KCB BHYT.  Bên cạnh đó, các cơ quan BHXH đã phối hợp với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết cho 63.210 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 3.812 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề. Lũy kế 10 tháng đầu năm, giải quyết cho 597.577 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 31.186 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.

Cũng trong tháng 10, BHXH Việt Nam đã ban hành 30 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam; tiếp tục tham gia các chương trình giám sát của Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại BHXH một số tỉnh, thành phố; đẩy mạnh triển khai công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; tiếp tục mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT trên toàn quốc; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc phục vụ công tác mở rộng đối tượng tham gia; tham gia với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT;….

Đảm bảo việc cung cấp thuốc BHYT

Liên quan đến con số 39.000 tỷ đồng kết dư của Quỹ BHYT, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam  Đào Việt Ánh cho biết, con số trên đang được hiểu chưa chính xác. Thực tế, Quỹ BHYT nhiều năm nay đã bội chi, không còn kết dư.

Theo đó, tại Điểm b Khoản 1 Điều 35 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định, dành tối thiểu 5% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng, vì vậy, nói chính xác thì số dư quỹ BHYT này chính là quỹ dự phòng KCB BHYT được tồn tích qua nhiều năm triển khai thực hiện Luật BHYT đến nay.

Theo Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh, theo thông lệ quốc tế, trong thiết kế chính sách BHYT ở nhiều nước cũng như tại Việt Nam, việc tồn tại của quỹ dự phòng KCB BHYT là cần thiết, để bảo đảm tính bền vững của chính sách BHYT, đảm bảo khả năng chi trả của quỹ này trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh có thể phát sinh bất cứ lúc nào.

“Tham chiếu vào điều kiện KCB BHYT cụ thể tại Việt Nam, quỹ này rất quan trọng. Vì bên cạnh rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, chúng ta cần nguồn lực hỗ trợ thanh toán khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo lộ trình tính đúng, tính đủ theo quy định của pháp luật và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới trong KCB BHYT. Tuy nhiên, dù quỹ có kết dư hay bội chi, quyền lợi của người KCB đều không đổi”, Phó Tổng giám đốc Đào Việt Ánh nhận định.

Cũng theo ông Ánh, trong bối cảnh mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm khó khăn cũng như tình trạng quỹ bội chi, nếu không sử dụng Quỹ BHYT và Quỹ Dự phòng hợp lý, sẽ không có nguồn để chi KCB. Bởi hiện mức đóng bình diện chung của Việt Nam khoảng 1 triệu đồng/người, chi đầu thẻ khoảng 1,1 triệu đồng. 39.000 tỷ đồng tưởng to nhưng thực chất so với tiền chi KCB hàng năm với 1,7 triệu lượt người khám, tương ứng chi khoảng 90.000 tỷ đồng thì không nhiều. Từ năm 2017, Quỹ BHYT đã bị bội chi nhiều do giá dịch vụ y tế tăng cao mà mức đóng BHYT không tăng. Do đó, BHXH Việt Nam đã phải sử dụng quỹ dự phòng để bù đắp. Nếu giá dịch vụ y tế tiếp tục tiến tới tính đúng tính đủ (hiện mới tính 5/7 yếu tố) thì nguy cơ bội chi quỹ BHYT còn tiếp tục.

“Giả sử nếu Quỹ Dự phòng cũng cạn, Quỹ BHYT không được sử dụng hợp lý trong nhiều trường hợp sẽ phải tăng mức đóng. Điều này sẽ tác động trực tiếp vào thu nhập của người lao động, chi phí hoạt động của doanh nghiệp, cân đối ngân sách và xa hơn là môi trường cạnh tranh quốc gia. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị sử dụng thận trọng quỹ này và điều chỉnh các nội dung liên quan”, ông Đào Việt Ánh cho biết thêm.

Đặc biệt, danh mục thuốc chi trả cho bệnh nhân BHYT hiện nay có khoảng 1.000 loại, khá cao so với nhiều nước trên thế giới, trong khi đó mức đóng của Việt Nam khá thấp (gần 800.000 đồng/năm, chưa đầy 40 USD). Hiện nhiều nước trên thế giới có mức đóng hàng trăm USD nhưng danh mục của họ cũng chỉ có khoảng 700 loại thuốc.

Xuân Thảo

Tin cùng chuyên mục
Tin khác