Rau quả xuất khẩu kỳ vọng đạt “kỷ lục” mới trong năm 2024
Theo dự báo từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2024, các sản phẩm sầu riêng, dừa, chuối, xoài, thanh long vẫn là những ngành hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam.
Trong đó, quả sầu riêng đã có 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, cũng tại thị trường này, các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị trước khi Nghị định thư cho các sản phẩm như chanh dây, dừa chính thức được ký.
"Năm 2024, sẽ có thêm mã số vùng trồng sầu riêng được cấp và một số mặt hàng mới như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi... nếu đàm phán thành công ngay từ đầu năm, sẽ góp thêm 1 tỷ USD kim ngạch cho Việt Nam. Không những thị trường Trung Quốc, mà cả các thị trường khác. Năm 2024, ngành rau quả có nhiều cơ hội đạt được kỷ lục mới”, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu nhận định.
Số liệu thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu rau quả tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng và kỳ vọng lập kỷ lục mới 6,5 tỷ USD trong năm 2024. Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam khi chiếm tới hơn 60% kim ngạch của cả nước.
Đáng chú ý, Việt Nam đang có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này như: Sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây… Cùng với đó, Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu các sản phẩm rau quả chế biến từ Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao giá trị cho rau quả.
Tuy có nhiều tín hiệu tích cực nhưng các chuyên gia cũng nhận định ngành rau quả sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Đồng thời, khả năng chế biến sâu của ngành còn hạn chế, tình trạng giả mã số vùng trồng vẫn tồn tại.
Để khắc phục tình trạng “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, giới chuyên môn nhận định, muốn tăng trưởng tốt thì phải mở cửa nhiều mặt hàng ra thị trường. Việt Nam có nhiều thuận lợi khi đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do, tuy nhiên để xuất khẩu rau quả bền vững, chiếm lĩnh thị trường, cần có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, người nông dân sản xuất, nhà đóng gói, người xuất khẩu.
Chú trọng chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn của mỗi thị trường ngay từ khâu sản xuất, đến sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển và đến tay khách hàng.
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân