Sạt lở đèo Bảo Lộc: Cảnh tỉnh từ canh tác nông nghiệp ngoài quy hoạch
Đồi sầu riêng được xác minh là của một người đàn ông cư trú trong khu vực, trồng từ năm 2019, trên khu vực đất lâm nghiệp. Việc canh tác này, được thực hiện bằng cách dẫn nước tưới từ các dòng suối xung quanh về vườn sầu riêng, không có hiện tượng khoan giếng ngầm tại chỗ.
Do đó, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cho rằng, không có cơ sở đánh giá, nhận định vụ sạt lở là do việc canh tác ở đồi sầu riêng gây ra. Các phân tích cho thấy dù phần lớn lượng đất đá trôi sụt, đổ xuống vùi lấp trạm CSGT và cắt đứt đường giao thông qua đèo, là từ đồi sầu riêng này, song điều này không có nghĩa trách nhiệm chính liên quan đến quy trình canh tác sầu riêng.
Tuy nhiên, theo quan sát phản ảnh của nhiều hộ dân sống quanh khu vực đèo Bảo Lộc, câu chuyện sạt lở đất ở cung đường đèo này rất đáng quan tâm bởi có liên quan đến những hoạt động canh tác nông nghiệp nằm ngoài quy hoạch tại địa phương. Một số người dân cho rằng, nếu không sớm có những cảnh tỉnh và can thiệp cần thiết, để kiểm soát lại tình hình khai thác các vạt đồi tại khu vực này, để trồng các loại cây trồng nông nghiệp ngoài lâm sản, những hiểm họa về sạt lở đất sẽ tiếp tục diễn ra nơi đây.
Một doanh nhân có tham gia hoạt động du lịch từ Đà Lạt về TP.HCM thường xuyên cho biết, khu vực xung quanh đèo Bảo Lộc, trong hơn 5 năm qua đã có những dấu hiệu bất ổn về khai thác đất rừng. Nhiều khu vực rừng nguyên sinh ở đây đã bị đốn hạ, dành đất cho các dự án đầu tư canh tác chuyên sâu các loại nông sản giá trị, đặc biệt là trồng sầu riêng. Phương thức canh tác của các chủ đất, là chặt hạ hết cây rừng, “cạo phẳng hết mặt đất để trồng sầu riêng, tạo nên những khu vực dốc trống rất nguy hiểm. Ngay ở đỉnh đèo Bảo Lộc nhìn sang đối diện, người ta đều sẽ thấy rõ quang cảnh này”. Doanh nhân này chia sẻ như vậy, và nhìn nhận, với cách đầu tư mua đất, tổ chức canh tác không đúng các yêu cầu bảo vệ môi trường, cảnh quan như vậy, hiện tượng xói lở đất khi có mưa lũ tại địa bàn sẽ rất phổ biến.
Ghi nhận từ những người dân sở tại cho thấy, trào lưu khai thác quỹ đất lâm nghiệp ở khu vực đèo Bảo Lộc, xuôi xuống thành phố Bảo Lộc đã bùng nổ trong nhiều năm qua. Với lợi thế của một vùng đất nổi tiếng về trà, cùng các loại nông sản giá trị cao, Bảo Lộc sau khi thành thành phố đã nhanh chóng thu hút nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM lên tham gia sở hữu đất dự án lâm nghiệp và làm trang trại nông nghiệp. Khu vực đèo Bảo Lộc theo đó cũng được nhiều nhà đầu tư nhắm đến, với hình thức phổ biến nhất là thành lập các trang trại chuyên canh nông nghiệp phối hợp làm cảnh quan sinh thái và khai thác du lịch canh nông. Từ đó, một lượng lớn diện tích đất lâm nghiệp quanh đèo tự nhiên chuyển hóa thành chuyên canh nông sản, biến đổi thành đất canh tác nông nghiệp.
Điều này có nghĩa nhiều dự án đầu tư tại đây hoàn toàn không nằm trong quy hoạch đất đai của địa phương. Đáng quan tâm là cách thức canh tác nông nghiệp ở các dự án chuyên canh về nông sản là rất khác biệt với cách thức và các tiêu chí trồng rừng lâm nghiệp. Thể hiện rõ nét nhất là việc canh tác nông nghiệp sẽ xóa bỏ phần lớn diện tích thảm thực vật tự nhiên vốn có ở các rừng nguyên sinh và cần được bảo vệ, tái tạo ở rừng trồng. Phương thức canh tác chỉ tập trung vào cây trồng giá trị, loại bỏ những giống loại cây trồng khác dễ dẫn đến nguy cơ xói mòn mặt đất tự nhiên. Trong trường hợp địa hình khu vực đồi dốc, việc canh tác như vậy thật sự bất ổn và báo hiệu những hiểm họa xói lở.
Anh Phạm D.L, một phóng viên bản địa cho biết, những cảm nhận về mất an toàn địa hình khu vực đèo Bảo Lộc, liên quan đến hoạt động khai thác đất đai, canh tác nông nghiệp ngoài quy hoạch đất tại địa phương, là rất đáng quan tâm. Một khi các khu vực đất dốc ở đây tiếp tục bị khai thác canh tác, “trọc hóa” bề mặt, thì với kết cấu đất đỏ bazan cao nguyên thiếu tính liên kết, những cơn mưa lớn sẽ rất dễ tạo ra những vụ sạt lở nghiêm trọng. Sự vụ sạt lở ở khu dân cư có nhà cao tầng mới đây tại thành phố Đà Lạt có thể xem là điển hình liên quan, và đến nay, sự vụ sạt lở đèo Bảo Lộc cũng nên xem là cảnh báo nguy hiểm.
Các cơ quan quản lý chức năng của địa phương cần sớm nhìn nhận lại thực trạng đầu tư đất trên địa bàn, để sớm có giải pháp can thiệp, chấn chỉnh quy hoạch ở khu vực đèo Bảo Lộc cũng như toàn vùng phụ cận. Kiểm soát chặt chẽ lại hiện trạng đất đai canh tác của vùng đèo, mới chính là giải pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa những sự cố đáng tiếc khác về sau, không chỉ với vùng đèo Bảo Lộc hay Lâm Đồng, mà còn với cả vùng Tây Nguyên.
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica