Phong trào nông dân

Sau học nghề, nông dân tự tin “khởi nghiệp”

08:41 17/08/2020 GMT+7
Nhờ được học nghề mà hàng nghìn nông dân ở Bắc Ninh đã ứng dụng được kiến thức vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nhiều người khởi nghiệp từ vốn kiến thức được học, nhiều người khác thì làm nghề nông nhưng sản xuất theo lối hiện đại, quy mô cho giá trị kinh

Nhờ được học nghề mà hàng nghìn nông dân ở Bắc Ninh đã ứng dụng được kiến thức vào phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nhiều người khởi nghiệp từ vốn kiến thức được học, nhiều người khác thì làm nghề nông nhưng sản xuất theo lối hiện đại, quy mô cho giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Lê Đắc Lý (phải) giới thiệu về mô hình trồng rau sạch của gia đình.

Nông dân làm chủ

Từng là học viên lớp nấu ăn tại Thôn Lẽ Đông Côi – Thị trấn Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh), đến nay chị Nguyễn Thị Phương Hoa đã trở thành một bà chủ quán phở.

Sau 3 tháng được đào tạo bài bản, chị Hoa cùng các học viên đã nấu được hàng trăm món ăn. Ngoài các món ăn, chị còn được học pha chế, cắm hoa, tỉa hoa trang trí… và đặc biệt học thêm cả khởi sự kinh doanh.

“Nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy cô mà giờ đây tôi đã rất tự tin, có thể thực hành nhiều món. Hiện giờ tôi chọn món phở để khởi nghiệp”- chị Phương Hoa nói.

Sau học nghề được 3 tháng, chị Hoa vay mượn bạn bè, người thân được 40 triệu đồng, đầu tư mở quán phở gà. Món ăn của chị ngon, đậm đà và được nhiều người dân ở đây lui tới thưởng thức.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Trung là giảng viên trực tiếp lớp nấu ăn cho biết, hầu hết học viên được tham gia lớp học đều rất hứng khởi. Họ học với mục đích rất rõ ràng. Có người thì học về mở quán ăn, có người học xong thành lập tổ nhóm nấu cỗ, hoặc làm trong các bếp ăn ở các khu công nghiệp…

Không chỉ học nghề phi nông nghiệp, tỉnh Bắc Ninh cũng chú trọng được đào tạo các nghề nông nghiệp, với mong muốn có thể tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Hơn 1 năm kể từ ngày được học lớp trồng rau sạch, vợ chồng ông Lê Đắc Lý, 53 tuổi (Việt Đoàn, Tiên Du, Bắc Ninh) đã ứng dụng được khoa học vào sản xuất. Hiện tại gia đình ông bà đang là thành viên của Hợp tác xã Rau củ quả an toàn Liên Ấp, Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh).

Gia đình ông Lý đang có 1ha trồng rau sạch theo quy chuẩn VietGAP. Giá trị kinh tế và sản lượng của các loại rau mang lại khá cao. Hiện tất cả các sản phẩm của gia đình ông đều được bao tiêu ở các chuỗi cửa hàng rau sạch và chuỗi nhà ăn ở các khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi tháng gia đình ông thu về từ 14 -17 triệu từ rau mầu.

“Qua học nghề chúng tôi nắm được quy trình sản xuất rau sạch, an toàn hiện đại. Ngoài kiến thức gieo trồng, canh tác hiện đại, điều mà tôi thấy thích nhất chính là việc các chương trình dạy nghề đã giúp chúng tôi tiếp cận được với kiến thức mới trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn” – ông Lý nói.

Ngoài kiến thức làm nghề, ông Lý còn được giảng viên kết nối với đơn vị cung ứng vật tư, giống rau, nơi cung cấp phân bón, thậm chí là giới thiệu nơi tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ được học nghề, mà địa phương đã hình thành nên một vùng chuyên canh trồng rau sạch. Hiện đã có hơn 100 hộ gia đình nông dân ở thôn Liên Ấp tham gia vào hợp tác xã rau sạch, Hợp tác xã rau củ quả an toàn Liên Ấp, Việt Đoàn.

Ông Nguyễn Văn Khang – Phó Chủ tịch Hợp tác xã Rau củ quả an toàn Liên Ấp, Việt Đoàn cho biết, trước đây hoạt động sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, từ việc sản xuất tới việc tiêu thụ. Tuy nhiên từ ngày được học nghề, nhiều hộ gia đình đã áp dụng được khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, gia tăng năng suất và giá trị sản phẩm.

Mô hình trồng rau sạch của gia đình ông Lê Đắc Lý, 53 tuổi (Việt Đoàn, Tiên Du, Bắc Ninh) mỗi năm giúp gia đình thu về từ 14-17 triệu đồng.

Hình thành nhiều mô hình điểm

Ông Lê Đình Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh Bắc Ninh (Hội ND tỉnh Bắc Ninh) cho biết, trong 2 năm gần đây Trung tâm đã phối hợp với Hội ND các cấp trong tỉnh trực tiếp tổ chức mở 18 lớp đào tạo nghề sơ cấp, dạy nghề và cấp chứng chỉ cho hơn 600 lao động nông thôn (LĐNT).

Trong quá trình đào tạo Trung tâm đã tổ chức 10 chuyến thăm quan thực tế cho học viên của lớp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nấm. Ngoài ra trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của người dân ở TP. Bắc Ninh và các huyện lân cận, trung tâm còn mở các lớp đào tạo “Nữ công gia chánh”.

6 tháng đầu năm 2020 trung tâm đã ký hợp đồng với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức khai giảng 8 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 5 lớp nông nghiệp, 3 lớp phi nông nghiệp (tại huyện Quế Võ, Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành; Thị xã Từ Sơn, TP Bắc Ninh). Ngoài ra Trung tâm cũng được giao nhiệm vụ đào tạo 3 lớp nghề theo chương trình “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.

“Để kết quả học tập được tốt nhất, trung tâm đã phân phối đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, mời giáo viên thỉnh giảng có tay nghề, có trình độ từ nghệ nhân, chuyên gia… trong các lĩnh vực đứng lớp” – ông Hùng nói.

Còn theo Sở LĐTBXH thì sau 9 năm thực hiện Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bắc Ninh, đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho 22.841 lao động khu vực nông thôn. Riêng năm 2019 vừa qua, tỉnh đã đào tạo nghề cho 2.427 lao động, đạt 97% kế hoạch.

Ông Lưu Văn Khải – Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, các ngành nghề nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo chủ yếu là trồng nấm, cà rốt, nghệ, nuôi trồng thủy sản, sản xuất mây tre đan… Người lao động được trang bị những kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành, bước đầu hình thành một số kỹ năng tổ chức sản xuất tại các hộ, nhằm phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động khu vực nông thôn.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, gắn với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành cho các cơ sở đào tạo nghề; gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo… Ngoài ra tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động ở các khu công nghiệp trên địa bàn.

“Toàn tỉnh phấn đấu đến hết năm 2020, đào tạo cho 60% số lao động khu vực nông thôn các nghề nông nghiệp phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đào tạo cho 20% lao động tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn”
Ông Lưu Văn Khải – Phó Chi cục trưởng Chi cục phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Ninh.

Quang Anh

Tin cùng chuyên mục
Tin khác