Sầu riêng đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng
Đây là hoạt động nhằm giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu sầu riêng nắm rõ thông tin, tiếp cận thị trường tốt hơn. Sầu riêng là thực phẩm có mức tăng trưởng nóng trên thị trường. Nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của mặt hàng này gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua sau khi thị trường lớn nhất đối với sầu riêng Việt Nam là Trung Quốc “mở cửa”.
Việt Nam đã ký kết xuất khẩu chính ngạch trái cây này sang thị trường tỷ dân vào tháng 7/2022. Tuy nhiên, khó khăn là hiện nay diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích, sản lượng hiện có.
Thống kê của Bộ NN& PTNT, dự kiến đến năm 2030 diện tích trồng sầu riêng ở nước ta có thể đạt từ 65.000 -70.000ha, nhưng thực tế, đến năm 2023 có thể đã đạt được 110.000ha, vượt hơn 35.000ha.
Ông Nguyễn Văn Đoan, Quyền trưởng phòng phía Nam, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết: Sản lượng sầu riêng thu hoạch được trong năm 2022 là 850 ngàn tấn. Nếu đầu tư thâm canh có khả năng đạt được 1 triệu tấn trong mùa vụ năm 2023. Sầu riêng đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Điều quan trọng là chúng ta cần có lộ trình phù hợp, tổ chức sản xuất bài bản, quy mô lớn, liên kết được sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu, khai thác tối ưu chi phí, kể cả chi phí logictics để nâng cao được giá trị của loại cây này.
Thời gian qua, Bộ NN& PTNT đã có Chỉ thị 8084 phát triển bền vững cây sầu riêng và chanh leo ở Việt Nam. Điều này cho thấy loại cây này đang dần trở thành một trong những loại trái cây chủ lực phục vụ xuất khẩu. Chỉ thị 8084 đã đề cập những vấn đề tồn tại, rủi ro và thách thức như: Nhiều địa phương phát triển nóng về diện tích, mở rộng diện tích trồng mới ở những vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để trồng cây sầu riêng mà không tuân theo quy hoạch nào, việc kiểm soát cây giống chưa được chặt chẽ, tình trạng biến đổi khí hậu như hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… ảnh hưởng lớn đến hiệu quả canh tác.
GS.TS Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: Biến đổi khí hậu tác động lớn đến sản lượng và chất lượng ngành sầu riêng Việt Nam, vì loài cây này chủ yếu được trồng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và phần lớn là Tiền Giang. Ngoài ra, trồng rải rác ở một số tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên. Hơn nữa, hầu hết quy mô sản xuất của chúng ta nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu xuất thô, tươi, chưa qua chế biến. Khâu chế biến sâu yếu, khả năng bảo quản thấp gây bất lợi, dễ dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”. Các sản phẩm sấy khô, sấy lạnh còn ít, tỷ lệ trái cây sau thu hoạch hao hụt nhiều, gây gia tăng chi phí sản xuất, giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Tình hình sản xuất sầu riêng "nóng" không chỉ riêng ở Việt Nam mà khắp cả vùng Đông Nam Á. Các nước sản xuất sầu riêng xuất khẩu lớn nhất thế giới tính về sản lượng và giá trị hiện nay là Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Việt Nam chỉ mới tham gia thị trường xuất khẩu sầu riêng trong thời gian gần đây. Đối tượng cạnh tranh chủ yếu của ngành sầu riêng Việt Nam là Thái Lan, nhưng những nước sản xuất sầu riêng mới nổi như Campuchia đang “trỗi dậy” có khả năng cạnh tranh với sầu riêng Việt ở các lĩnh vực nhân lực và thị trường.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Trưởng Văn phòng phía Nam, Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, sầu riêng có giá cao kỷ lục bởi đang là thời điểm nghịch vụ, hàng khan hiếm trong khi mới mở cửa chính ngạch thị trường rộng lớn tỷ dân Trung Quốc. Tuy nhiên, khi đến chính vụ thì hàng Việt dễ bị “dội chợ” do chúng ta chưa biết “rải vụ” cho trái cây để tránh thu hoạch đồng loạt. Chính vì vậy, Hội Làm vườn Việt Nam đang phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước, ngành nông nghiệp để hỗ trợ các nhà sản xuất, doanh nghiệp xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc, sản xuất, đóng gói, logictics và xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro và tiếp cận thị trường tốt hơn.