Sơn La chủ động ứng phó khẩn cấp với đợt mưa lớn
Sơn La sắp hứng chịu đợt mưa lớn
Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La, từ chiều tối ngày 28/7 đến ngày 1/8/2024, trên địa bàn tỉnh Sơn La có khả năng xảy ra mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70-200 mm/đợt, có nơi trên 300mm.
Trong đợt mưa này, cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực có địa hình dốc, các công trình đang thi công, vùng ngập úng đô thị và các vùng trũng, thấp. Mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn có thể làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng.
Sơn La chủ động ứng phó khẩn cấp với đợt mưa lớn
Để chủ động ứng phó khẩn cấp với đợt mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã ban hành Công điện, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện/thành phố tập trung khắc phục nhanh hậu quả đợt mưa lũ vừa qua.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đảo bảo an toàn tính mạng cho người dân. Khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Đặc biệt là đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông, các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đường tỉnh, quốc lộ bị hư hỏng, ngập, chia cắt. Khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, ngập sâu, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông trên tuyến. Bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông tại những khu vực bị sạt lở, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu... để đảm bảo an toàn. Hỗ trợ các địa phương về giải pháp kỹ thuật để kịp thời khắc phục sự cố trên các tuyến đường huyện, đường xã, đảm bảo đi lại của nhân dân.
Bảo đảm cơ số thuốc dự phòng, tổ chức khám chữa bệnh, tập trung cứu chữa đối với những người bị thương. Triển khai ngay công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nơi mưa lũ đã rút. Chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh có thể phát sinh sau mưa lũ.
Các cơ quan, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống lũ quét, sạt lở đất và tác động do mưa, lũ gây thiệt hại. Thường xuyên cập nhật, thông báo diễn biến mưa, lũ để các dịa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh đã ký ban hành văn bản, yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố dừng ngay các hoạt động không cần thiết, phân công lãnh đạo sở, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực theo dõi, sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai 24/24h trong những ngày bão lũ cao điểm, theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tỉnh Sơn La, đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 23 đến ngày 26/7 vừa qua trên địa bàn tỉnh Sơn La đã làm 7 người chết do sạt lở vùi lấp và lũ cuốn trôi; 3 người mất tích; 5 người bị thương; gần 1.200 ngôi nhà bị thiệt hại. Mưa lũ làm ngập và cuốn trôi gần 1.900ha lúa mùa; hơn 220ha hoa màu, rau màu; gần 400ha cây trồng hàng năm, lâu năm; gần 7.500 con gia cầm và 125 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 183ha ao cá và 6 công trình thuỷ lợi bị thiệt hại. Nhiều tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, ách tắc...