Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là với trách nhiệm người đứng đầu
Chiều 12/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp với các bộ, ngành Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương.
Cùng dự cuộc họp có Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã báo cáo tình hình thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua và tình hình, kế hoạch, giải pháp trong thời gian tới.
Công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang được thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và được cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh; công tác chỉ đạo, điều hành thanh tra, phòng, chống tham nhũng được tập trung thường xuyên; kịp thời phát hiện các dấu hiệu sai phạm để ngăn chặn, xử lý...
Công tác thanh tra, phòng, thống tham nhũng được tập trung trong các lĩnh vực nhạy cảm như khoáng sản, đất đai, bất động sản, tài chính, đầu tư, xây dựng, quản lý tài sản nhà nước, quy hoạch... Qua đó góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để các vấn đề phát sinh ảnh hưởng lớn tới các vấn đề vĩ mô và các cân đối lớn.
Bên cạnh đó, các đại biểu nhận định, các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, trên nhiều lĩnh vực, một số vụ việc có quy mô lớn.
Trong khi vẫn còn một số bất cập do quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, đồng bộ; lực lượng chuyên ngành phòng chống tham nhũng chưa đủ mạnh; công tác phòng ngừa được quan tâm, song hiệu quả chưa cao; xử lý sai phạm, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có còn khó khăn...
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng trong năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống thuộc khối Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức xuyên suốt, bao quát, liên tục, quyết liệt từ Chính phủ đến chính quyền các địa phương, dưới sự lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương; thể hiện quyết tâm chính trị cao và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Trong suốt quá trình chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội và các vấn đề khác, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và luôn đề cập tới công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó Chính phủ cũng tổ chức tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục hậu quả các vụ việc tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm qua.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đặc biệt quan tâm với nhiều nghị định, nghị quyết được Chính phủ ban hành; đề xuất Quốc hội sửa đổi, ban hành các Luật, Nghị quyết để dần hoàn thiện thể chế, khơi thông các điểm nghẽn và làm cơ sở pháp lý để thực hiện.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đẩy mạnh. Tổ chức, bộ máy tại các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng được kiện toàn. Trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng được nâng cao.
Phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp ngoài Nhà nước được quan tâm hơn. Công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại tố cáo được đẩy mạnh, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, đã phát hiện, xử lý nhiều sai phạm, tham nhũng, tiêu cực...
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục như chất lượng các cuộc thanh tra cần được nâng lên; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được đổi mới; chất lượng, số lượng đội ngũ làm công tác thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu ở mức cao; thanh tra chuyên đề, chuyên ngành cần được đẩy mạnh; công tác giám định, định giá tài sản, việc xử lý tài sản, thu hồi tài sản còn khó khăn; quyết tâm chính trị của một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa cao; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của người dân còn hạn chế…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ trong phòng, chống tham nhũng thì công tác phòng ngừa là cơ bản, lâu dài; xử lý, khắc phục hậu quả là cấp bách, quan trọng. Do đó các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải tuân thủ lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, tham mưu kịp thời... để phòng, chống tham nhũng từ sớm, từ xa.
Thủ tướng Chính phủ dự báo, năm 2022 tình hình diễn biến khó lường trên mọi mặt, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Do đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Theo đó, các bộ, ngành, cơ quan thuộc khối Chính phủ, chính quyền các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bám sát sự lãnh đạo của Đảng; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra tăng cường thanh tra, nhất là đối với trách nhiệm người đứng đầu, trong đó có người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương; tổ chức thanh tra chuyên đề, chuyên ngành.
Tập trung thanh tra các chương trình lớn như chương trình phòng, chống COVID-19; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội; cổ phần hóa doanh nghiệp; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; đầu tư công… và thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực: đất đai, chứng khoán, quy hoạch, tài nguyên, môi trường; quy hoạch năng lượng; quản lý khoáng sản…
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các ngành nội chính đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, xét xử các vụ án theo đúng pháp luật, trên tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kinh tế-xã hội để có cơ sở dữ liệu và minh bạch hóa các hoạt động, giảm nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Cần tiếp tục củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tham nhũng; có biện pháp tốt hơn, bảo vệ những người tố giác.
Phát hiện, nhân rộng những người dám nghĩ, dám làm; cách làm mới, cách làm hay. Chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, ngoài triển khai phòng, chống tham nhũng theo kế hoạch cần bám sát thực tiễn, kịp thời kiểm tra, thanh tra đối với những vấn đề nổi lên.
Đặc biệt phải phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng trong khối Chính phủ và chính quyển địa phương và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan khối chính quyền với các cơ quan Đảng, Tòa án, Viện kiểm sát… để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Thủ tướng đề nghị kể từ năm 2022, hàng tháng, hàng quý phải có báo cáo và tổ chức họp để kiểm điểm tình hình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh./.
Theo Vietnam +
- Quốc hội thông qua Luật Dược sửa đổi với 7 nhóm điểm mới cơ bản
- Từ ngày 20/11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 thông qua nhiều dự án luật quan trọng
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Triển khai công việc theo tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng'
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11