Thái Nguyên: Hỗ trợ, đẩy mạnh đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử
Tạo mọi điều kiện hỗ trợ HTX, doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử
Một trong những mục tiêu xác định rõ của UBND tỉnh Thái Nguyên đó là tập trung chỉ đạo, nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, tạo điều kiện để phát triển nền tảng chuyển đổi số trong giai đoạn mới, đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số. Về lĩnh vực kinh tế số, UBND tỉnh đưa ra kế hoạch rõ ràng trong việc thúc đẩy trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở NN&PTNT là đơn vị chủ trì trong việc đẩy mạnh triển khai hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh giao, ngành Nông nghiệp phát triển nông thôn đã có những giải pháp đồng bộ theo tinh thần 5 không “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở NNPTNT đã chỉ đạo vào 3 mục tiêu chính: Thứ nhất, là chỉ đạo sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ; Thứ hai, là có giải pháp về công nghệ, quản lý chất lượng; Thứ bà, phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, Liên minh HTX, Hội ND tỉnh và các bên liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX về nông nghiệp.
“Thời gian qua để tăng cường quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực, ngành NN&PTNT đã tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, giới thiệu tiêu thụ các mặt hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử; Cung cấp danh sách các cơ sở đạt chứng nhận OCOP, cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đăng tải trên website của Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Bộ NN&PTNT. Trong đó thay đổi nhận thức được xác định là giải pháp đặc biệt quan trọng từ đó làm cơ sở thay đổi hành vi trong tiếp cận, vận hành giao dịch số ở mỗi HTX, doanh nghiệp”, ông Hà nhấn mạnh.
Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, có khoảng 5 năm bán hàng trên shopee với hàng trăm mã sản phẩm là các loại nấm, đang có sức tiêu thụ rất tốt. Bà Trần Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Phú Gia cho biết: Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cả về mặt số lượng và chất lượng, các sản phẩm nấm của Công ty luôn được thực hiện đầy đủ các quy trình theo đúng kỹ thuật hiện đại. Đặc biệt, Nấm Phú Gia là công ty đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA và châu Âu EU. Hàng năm, các tổ chức thẩm định đều đến Công ty để kiểm tra và đánh giá lại các sản phẩm đã được cấp chứng nhận để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho sản phẩm.
Hiện lượng tiêu thụ sản phẩm của công ty trên sàn thương mại điện tử hoặc trang web của Công ty chiếm khoảng 40% tổng doanh số bán hàng. Công ty xây dựng phòng maketting chuyên nghiệp, có đội ngũ làm công tác truyền thông, quay phim, chụp ảnh quy trình, máy móc, sản phẩm… để quảng bá các hình ảnh trên internet. Vì vậy, sản phẩm nấm của Công ty rất được người tiêu dùng ưa chuộng, tin tưởng và tìm mua. Không những thế, giờ đây sản phẩm của Công ty còn vươn ra các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, các nước châu Âu…
Chia sẻ về vấn đề này, chị Tống Thị Kim Thoa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chè Kim Thoa, TP. Thái Nguyên cho biết: HTX đã được các cơ quan chức năng tập huấn, tuyên truyền về việc đăng bài, tải app để đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Thời gian đầu khi mới đăng bán, sản phẩm chè của HTX cũng được người tiêu dùng quan tâm và đặt mua nhiều, nhất là trong thời kỳ COVID-19. Hiện HTX lấn sang quảng cáo bán hàng trên facebook, zalo và tiktok.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy mặc dù nhận được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, cũng như các cấp ngành của tỉnh, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp, HTX cũng đang gặp khó khăn trong việc bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử.
Ông Vũ Thành Chơn, Giám đốc HTX chè sạch Đạt Phát, huyện Phú Lương cho biết, sản phẩm của HTX lên sàn thương mại điện tử nhưng bán chậm, HTX mong muốn được các cấp cơ quan nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các HTX có kinh phí chạy quảng cáo.
1.800 sản phẩm đã lên sàn thương mại điện tử
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, ngành Nông nghiệp tỉnh đã cấp hỗ trợ trên 662.000 tem truy xuất nguồn gốc QR-Code cho các sản phẩm nông sản, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu lý lịch sản phẩm, từ đó tạo niềm tin đối với nông sản của tỉnh. Hiện cả tỉnh có gần 190.000 hộ, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản để đưa sản phẩm lên giao dịch trên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn; Voso.vn) với trên 1.800 sản phẩm, tổng số giao dịch trên 2 sàn đạt trên 14.500 giao dịch. Ngoài ra, Sở chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cung cấp danh sách các cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh, cơ sở được cấp xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn để đăng tải trên website của Bộ NN&PTNT; trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các hệ thống siêu thị, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên cả nước, các hội chợ thương mại quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; phối hợp tổ chức các ngày hội livestream sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên tại một số sự kiện, thu hút đông đảo người xem và mua sản phẩm…
Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, để đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, quan trọng nhất vẫn là thay đổi quy trình sản xuất của các doanh nghiệp, HTX để tạo ra những sản phẩm thực sự chất lượng, tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Trong thời gian tới, để sản phẩm nông sản của tỉnh được tiêu thụ mạnh mẽ hơn nữa trên các sàn thương mại điện tử, Sở sẽ lồng ghép tập huấn tuyên truyền để chuyển tải những chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong sản xuất nông sản an toàn, hữu cơ; thay đổi nhận thức của các hộ sản xuất nông nghiệp, tạo sức bật và động lực đưa nông sản Thái Nguyên lên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như chè, quả (na, nhãn, bưởi), gỗ, quế, lợn, gà, trứng gà; các sản phẩm OCOP...
Với sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền, cùng với sự thay đổi nhận thức, dám nghĩ, dám làm trong cách thức kinh doanh trên môi trường số sẽ giúp cho các sản phẩm nông sản của tỉnh Thái Nguyên được bán ra nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử. Điều đó không chỉ đem lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp mà còn góp phần hoàn thành chỉ tiêu về phát triển kinh tế số trong chương trình Chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.