Lào Cai: Nguyên nhân 10 người may mắn thoát nạn khi thảm họa ập xuống làng Nủ
Như vậy, tính đến trưa nay, ngày 13/9, có 48 thi thể được tìm thấy sau vụ lũ quét, 39 người mất tích, 17 người bị thương và 8 người may mắn thoát nạn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đang xác nhận, làm rõ thông tin trong số những nạn nhân mất tích, có một số người đi làm ăn xa.
Ông Hoàng Văn Tiện, chủ hộ 4 người đi lánh nạn ở nhà người thân, nói ông không biết nhà mình trong danh sách mất tích nên không báo cho trưởng thôn. Ông Hoàng Văn Tiện và Hoàng Văn Duân là anh em của Trưởng thôn Làng Nủ - ông Hoàng Văn Diệp.
Sáng hôm xảy ra lũ quét, tiếng nước lũ mạnh đẩy đá lăn lục cục ở suối đánh thức ông Hoàng Văn Tiện từ 5 giờ sáng. "Tôi ra suối xem, rồi sau đó về gọi vợ con dậy. Gần 6 giờ sáng cả nhà cùng ra xem. Taluy nhà ông nội cách đấy 50m cũng đã bị sạt", ông Tiện nhớ lại.
Theo ông Tiên, khi gia đình ông trên đường về nhà thì nghe thấy một tiếng nổ rất lớn phát ra từ trên núi, đất đá bị thổi bay lên hàng trăm mét rồi đổ ụp xuống bản.
“Thấy vậy, cả nhà tôi chạy vội ra khi vực an toàn, từ trên cao nhìn xuống cả làng đã bị san phẳng, không nhìn thấy nóc nhà nào còn sót lại", ông Hoàng Văn Tiện bàng hoàng nhớ lại.
Ngay sau khi vụ sạt lở kết thúc, ông Tiện quay trở lại hiện trường, tìm kiếm người bị thương. Theo ông Tiện, ông đã kịp kéo được hai cháu bé là Hoàng Gia Bảo và Nguyễn Thị Tuynh, năm nay đều 7 tuổi, đang học lớp hai. Còn bố mẹ cháu thì đã bị đè dưới đống đổ nát, mất tích.
Vẫn chưa hết bàng hoàng, khi biết cả làng Nủ đã bị sạt lở đất san phẳng, ông Hoàng Văn Duân kể lại nguyên nhân gia đình ông thoát chết. Theo ông Duân, từ tối hôm trước khi xảy ra trận sạt lở đất, ông đã sang chăm ông nội bị ốm. Sáng hôm sau, ông Duân dậy xem nước tràn vào ruộng không, rồi sang gọi vợ con về.
"Đang từ nhà ông nội ở gần đấy về, tôi thấy đất đá đổ ập xuống. Tôi vôi hô chạy đi, chạy mau đi các con ơi. Rồi gia đình anh trai tôi cũng chạy, chỉ vài phút sau đất đá đá đổ sập xuống chỗ chúng tôi vừa chay qua”, ông Duân kể lại.
Những ngày qua, hai gia đình tá túc ở trường học rồi sang ông nội ở, có tham gia hỗ trợ địa phương cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, trong lúc đông người, công việc khẩn cấp nên không biết gia đình mình trong danh sách mất tích. Tối qua, sau khi biết tin, họ đã trình báo với chính quyền địa phương.
Chiều qua 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã trực tiếp đến hiện trường vụ lũ quét ở thôn Làng Nủ để chia sẻ mất mát với bà con và động viên lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Thủ tướng đã nhiều lần xúc động, bật khóc khi chứng kiến nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn của người dân nơi đây.
Trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh sau đó, Thủ tướng nhận định, lịch sử Lào Cai chưa bao giờ có trận mưa lũ như lần này. Điều này thể hiện qua phạm vi mưa lũ rộng, đối tượng nhiều, tính chất phức tạp, diễn ra rất nhanh chóng, đột ngột, kỹ năng, trang thiết bị ứng phó còn thiếu, yếu, phản ứng chưa kịp thời, vẫn còn một bộ phận người dân chủ quan.
Thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn, thăm hỏi sâu sắc nhất tới các gia đình có người thân bị thiệt mạng, mất tích; đồng thời hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lào Cai đã nỗ lực, quyết tâm, vận dụng hết khả năng, "gồng mình" ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thủ tướng biểu dương lực lượng quân đội, công an đã sẵn sàng, triển khai lực lượng từ sớm, từ xa, bám sát địa bàn, sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ngoài thiệt hại về vật chất, Thủ tướng cho rằng tổn thương về tinh thần, tâm lý của một bộ phận người dân cũng rất nặng nề, cần được động viên, chia sẻ và có giải pháp kịp thời, nhằm sớm đưa người dân trở lại với cuộc sống hàng ngày.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ trên địa bàn tỉnh tỉnh Lào Cai đã khiến 9.172 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có 810 nhà thiệt hại hoàn toàn (hơn 70%). Theo thống kê sơ bộ đến thời điểm này, mưa lũ gây thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tạp chí Nông thôn mới kêu gọi các tổ chức, cá nhân, bạn đọc, doanh nghiệp, các nhà hảo cùng chung tay ủng hộ, giúp đỡ đồng bào vượt qua thiên tai và những khó khăn trong và sau bão, lũ sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Việc ủng hộ được chia làm 2 đợt:
* Đợt 1: Ủng hộ để đồng bào đảm bảo cuộc sống
- Thời gian từ 11/9/2024 đến ngày 30/9/2024
- Ủng hộ bằng tiền hoặc hiện vật là các nhu yếu phẩm như: Gạo, mì tôm, lương khô, bánh chưng, bánh mì ruốc, đèn pin, áo phao, chăn, màn, quần, áo, thuốc thông thường…
* Đợt 2: Ủng hộ để giúp đồng bào khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống
- Thời gian từ 01/10/2024 đến ngày 15/11/2024
- Ủng hộ bằng tiền hoặc giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; vật tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; vật liệu xây dựng nhà cửa; đồ gia dụng…
Sự tham gia ủng hộ của Quý vị là nguồn động viên to lớn đối với đồng bào, giúp đồng bào sớm vượt qua khó khăn, hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra. Những đóng góp, chia sẻ của quý vị sẽ được chuyển nhanh nhất đến đúng những đối tượng cần ủng hộ.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Tạp chí Nông thôn mới, Tầng 7, Tòa nhà Báo Nông thôn ngày nay - Lô E2, phố Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Điện thoại: 024.38470876 - 0984 599 179; 0976 606 690
Tên tài khoản nhận tiền: Tạp chí Nông thôn mới. Số tài khoản: 1506 201037979 Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Tây Hồ - Hà Nội.
(Ghi rõ tên, địa chỉ của đơn vị, cá nhân ủng hộ. Nội dung ghi: Ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vì bão lũ).