Nông nghiệp

Tháng 5 mùa mận Tam Hoa chín đỏ ở miền núi Kỳ Sơn

Bùi Ánh - 10:59 25/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mận Tam Hoa đến với đồng bào Kỳ Sơn (Nghệ An) đã hơn 30 năm, giống cây này được đưa về từ Lào Cai là một trong những loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có khí hậu mát mẻ, có độ cao và thời tiết 4 mùa trong ngày…
Mận Tam Hoa Kỳ Sơn quả tròn, đều, ngọt và có vị thanh. Ảnh: Bùi Ánh

Hiện nay, tổng diện tích trồng mận Tam Hoa trên địa bàn Kỳ Sơn hơn 46,7 ha, sản lượng dự kiến năm 2022 hơn 224 tấn. Cụ thể như: Mường Lống diện tích 23 ha, sản lượng thu hoạch năm 2021 là 103,5 tấn dự kiến năm 2022 khoảng 110,4 tấn, lộ trình dự kiến phát triển diện tích trồng mận giai đoạn 2022 – 2025 tăng thêm 10 ha; Đọoc Mạy diện tích 1,1 ha sản lượng ước tính năm 2022 là 4,9 tấn; Nậm Cắn 11 ha sản lượng ước tính 55 tấn; Na Ngoi 6,7 ha tương đương 33,5 ha…Mận Kỳ Sơn còn được trồng rải rác ở các xã như: Tây Sơn, Tà Cạ, Mường Típ, Huồi Tụ, Bắc Lý,…

Niềm vui của đồng bào vùng cao khi thành quả chăm sóc lâu nay đang đến kỳ thu hoạch. Ảnh: Bùi Ánh

Từ đầu tháng 5, mận bắt đầu chín và thời vụ chỉ kéo dài đến giữa tháng 6 là hết. Việc thu hoạch mận cũng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bởi khi mận đang trên đà chín đỏ nếu mưa nhiều mùa thu hoạch chỉ dài được khoảng 20 ngày, còn nếu trời nắng mới kéo được khoảng hơn 1 tháng. Do đó, thu hoạch phải nhanh, bán cũng phải nhanh, điều này đòi hỏi mận đến kỳ thu hoạch phải có đầu ra ổn định. Quá trình chăm sóc và chờ hái quả ngọt từ thành quả lao động, bà con không mong gì hơn là những sản phẩm mình làm ra sẽ đến được với người tiêu dùng trên địa bàn một cách thuận lợi. Tuy nhiên, để làm được điều này nó còn đòi hỏi nhiều yếu tố mang lại như địa hình, khoảng cách, chất lượng sản phẩm,… đặc biệt là kế hoạch tuyên truyền, quảng bá sản phẩm địa phương cũng cần được chú trọng.

Những vườn mận lúc lỉu quả căng tròn ở xã Mường Lống. Ảnh: Bùi Ánh

Kỳ Sơn là huyện miền núi, cách trung tâm chính trị của tỉnh Nghệ An chừng 300km. Điều kiện địa hình đồi núi, những vùng trồng mận lại cách xa trung tâm huyện nên quá trình vận chuyển những quả mận chín đỏ từ vườn đến với người dùng cũng gặp không ít khó khăn. Với nhiều lý do khách quan về thời vụ, giao thông đi lại…Hơn nữa, việc trồng mận còn phân bổ rải rác khắp các vùng và trong tâm lý của một số bộ phận người dân vẫn còn coi đó là “lộc trời”, chưa quan tâm chăm sóc cây đúng quy trình nên sẽ hạn chế phần nào năng suất mang lại.

Tuy nhiên, để khắc phục những khó khăn đó, các cấp, các ngành huyện Kỳ Sơn đang có những nỗ lực thay đổi mang tính căn cơ  nhằm phát huy mọi giá trị từ sản xuất nông nghiệp mang lại hướng đến tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn bà con bón phân, chăm sóc, nâng cao năng suất cũng như chất lượng cho cây mận Tam Hoa. 

Việc chăm sóc cây mận đúng quy trình và sử dụng giống mới cho năng suất cao. Ảnh: Bùi Ánh

Ở Kỳ Sơn chỉ có xã Mường Lống cây mận được trồng tập trung, coi mận là hàng hóa và cũng nhờ cây mận để kích cầu du lịch cộng đồng phát triển từ những mùa hoa trắng tinh khôi dịp tết, mùa quả chín đỏ mọng tháng 5 đã thu hút du khách đến tham quan. Cùng với đó, dịp này những vườn mận trên 2 bản Mường Lống 1 và Mường Lống 2 sẽ có tổ chức lễ hội hái mận nhằm kết nối, quảng bá tiêu thụ mận Tam Hoa trên địa bàn vào những ngày cuối tháng 5. Đây chính là dịp để những quả mận căng tròn, ngọt, có vị thanh…trên vùng đất được ví “Sapa xứ Nghệ” được nhiều người biết đến và thưởng thức.

Sở hữu vườn mận rộng 2,3 ha với gần 300 gốc mận, gia đình ông Hờ Chồng Pó ở xã Mường Lồng mỗi năm thu về hàng tấn mận. Một điều đặc biệt là cả mấy chục năm gắn bó với cây mận ông chưa hề dùng đến một giọt thuốc trừ sâu. “Cây mận phù hợp với khí hậu ở đây lắm. Một năm ta chỉ cần dọn cỏ từ 2- 3 lần, sâu bệnh thì hoàn toàn không có. Từ 2 năm nay, cây già rồi nên bị thoái hóa dần, huyện hướng dẫn và hỗ trợ ta mới bắt đầu bón phân. Cây hồi phục, phát triển tốt, quả cũng nhiều và ngọt hơn”, ông Pó cho biết.

Ngày hội hái mận sẽ là dịp quảng bá thương hiệu mận Tam Hoa Kỳ Sơn đến với mọi người. Ảnh: Bùi Ánh

Để cây mận ngày càng phát huy được giá trị kinh tế cho đồng bào miền núi Kỳ Sơn, thời gian tới “huyện sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ bà con về nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc cây mận đúng cách, xóa bỏ tư tưởng trời cho sao hưởng vậy ở một số vùng nhằm phát huy những lợi thế từ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ban tặng để cây mận tiếp tục là loại cây hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cho người dân” – ông Vi Oanh – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kỳ Sơn cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác