Xã hội

Thanh Hóa: Cận cảnh bản “0.4” giữa thời đại “4.0”

Việt Tùng - 07:48 06/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Mặc dù hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại “Công nghệ số”, với cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống của người dân theo hướng tích cực. Tuy nhiên, tại bản Khạn, xã Trung Thượng (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) người dân nơi đây lại đang sống như thời xa xưa “0.4”, khi vẫn phải khiêng người ốm, bà đẻ… xuống trạm xá bằng cáng võng.
TIN LIÊN QUAN

Bản Khạn cách UBND xã Trung Thượng chỉ khoảng 4km, nhưng chúng tôi phải mất hơn 20 phút di chuyển bằng xe máy luồn lách qua các khúc cua quanh co, con dốc trơn trượt, một bên là vực chênh vênh, nhiều đoạn phải dắt xe máy đi bộ, nếu phải di chuyển vào ban đêm thì rất nguy hiểm.

Một góc bản Khạn, xã Trung Thượng (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Ông Vi Văn Lợi – Trưởng bản Khạn cho biết: Bản Khạn có 66 hộ dân, trong đó 30 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo…bản có 318 khẩu, với 100% là đồng bào dân tộc Thái. Cuộc sống người dân ở bản chủ yếu dựa vào cấy lúa, nhưng năng suất không cao. Ngoài ra, người dân còn trồng, chăm sóc và thu hoạch cây vầu, luồng và quế để bán.

Ngoài cây lúa, cây vầu, luồng, quế là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.

Theo ông Lợi,  Bản Khạn có địa hình dốc, nên thiếu đất sản xuất, đường xá đi lại gặp nhiều khó khăn, nên việc giao thương hàng hóa, sản xuất kinh doanh rất bất lợi, do đó đời sống của người dân còn rất lận đận.

Theo ông Vi Văn Lợi - Trưởng bản Khạn, năm nào bà con cũng được hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng đời sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn, do điều kiện thiên nhiên khắc nhiệt, địa hình phức tạp và trình độ dân trí còn thấp.

“Năm nào bà con cũng được hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, do trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, điều kiện khí hậu lại khắc nghiệt… nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn” – Trưởng bản Khạn – ông Vi Văn Lợi cho biết.

Một trong những khó khăn căn bản của bản Khạn đó là nguồn nước sinh hoạt. Do địa hình đồi dốc cao, nên người dân không thể đào giếng, mà chủ yếu tận dụng nguồn nước mó (mạch nước ngầm chảy ra từ chân núi – PV) và các khe xuối cách xa nhà hàng cây số. Để có nước sinh hoạt, trước đây người dân dùng cây nứa khoét lỗ để dẫn nước về dùng. Những năm gần đây người dân đã dùng ống nhựa để dẫn nước từ các khe suối về nhà dùng, nên cũng thuận tiện hơn trước đây.

Mặc dù đã được nhà nước xây dựng công trình cung cấp nước công cộng, cũng như nơi sinh hoạt cộng đồng, nhưng công trình đã hư hỏng nhiểu năm nay nên nhiều hộ dân phải dùng ống nhựa dẫn nước từ các khe suối về để dùng.

Trưởng bản Khạn – ông Vi Văn Lợi thông tin: “Trước đây ở bản Khạn cũng đã được nhà nước quan tâm xây dựng công trình nước sạch công cộng, nhưng chỉ dùng được vài năm công trình xuống cấp hư hỏng, không có ai sửa chữa, nên người dân phải tự bỏ tiền ra mua ống nhựa dẫn nước từ các khe suối về nhà dùng”.

Được biết, nhiều năm nay bản vẫn nằm trong danh sách có hộ nghèo, cận nghèo nhiều nhất của xã, nguyên nhân chính do dân trí nơi đây còn thấp, nên hạn chế trong việc tiếp thu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Không chỉ vậy, tình trạng một số hộ nghèo ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo.

Nghèo đói vẫn bao năm nay bủa vây bản Khạn, xã Trung Thượng (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Hiện nay, con đường từ bản Khạn nối ra đường thoát nạn của huyện Quan Sơn có chiều dài gần 4km, là tuyến giao thông huyết mạch để đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản. Trước đây, con đường này vẫn chỉ là đường đất do dân tự mở, gần đây chính quyền địa phương đã tu sửa, nâng cấp nhưng hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Vào những ngày mưa đường trơn trượt, chằng chịt những vũng lầy, kết hợp nhiều đoạn cua, dốc nên người dân thường hạn chế qua lại, giao thương bị đình trệ, hàng hóa làm ra không bán được giá...

Vào những ngày mưa, con đường vào bản Khạn biến thành những vũng sình lầy, khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Một điều ái ngại là nhỡ trong bản Khạn nhà nào có người ốm đau, bệnh tật, hoặc bà bầu đau đẻ… muốn xuống trung tâm xã việc di chuyển rất khó khăn, vào những hôm trời mưa phương tiện duy nhất để di chuyển là khiêng cáng võng. Một loại hình vận chuyển xa xưa, mà chúng ta tưởng chỉ có trong chiến tranh, phim ảnh, lại vẫn tồn tại giữa đời thời, giừa thời đại công nghệ 4.0, khiến ai chứng kiến, nghe thấy cũng phải giật mình.

Ở bản Khạn, việc phải dùng cáng võng khiêng người ốm, hoặc bà đẻ xuống trạm xá xã diễn ra thường xuyên.

Thầy giáo Hà Trung Thành (giáo viên Trường Tiểu học Trung Thượng-khu Khạn) kể lại: "Tôi lên đây công tác từ năm 2023, hiện tôi đang dạy lớp ghép (tức là lớp 2 và lớp 5 học cùng phòng - PV). Cuộc sống của người dân bản Khạn còn nhiều vất vả lắm, ăn còn thiếu nên không có điều kiện cho các con tới trường. Nên năm nào trước năm học mới chúng tôi cũng phải đến “gõ” từng nhà để động viện gia đình cho các con đến lớp. Điểm trường cánh bản Khạn khoảng 4km, vào mùa Đông các con phải dậy sớm đến trường rất vất vả, nên nhà trường dựng điểm trường ngay tại bản Khạn là vậy".

Vì quá nghèo, nên trẻ em nơi đây không được ăn học đến nơi đến chốn, khiến người dân nơi đây mãi lâm vào vòng luẩn quẩn nghèo.

Theo số liệu thống kê từ UBND xã Trung Thượng, năm 2023, bản Khạn có 54 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mô hình trồng lúa, vầu, luồng, quế, chăn nuôi trâu, bò, đào ao nuôi cá... với tổng dư nợ hơn 3,3 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn vô cùng quý để giúp người dân nơi đây từng bước thoát nghèo, nâng cao đời sống.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác