Thu nhập khá từ chăn nuôi “Đầu cơ nghiệp”
Trước đây cũng giống như những gia đình khác trên địa bàn, gia đình anh Huân cũng nuôi 1-2 chú trâu để cày ruộng, nhưng từ khi việc cơ giới hoá trên đồng ruộng thuận lợi, việc nuôi trâu để cày ruộng đã không còn được chú trọng, đàn trâu ở xã Vân Nham nói chung và huyện Hữu Lũng nói riêng đã bị giảm.
Năm 2016, nhận thấy nhu cầu của thị trường về thịt trâu ngày càng tăng anh Huân đã quyết định tự mình đi tìm hiểu các mô hình nuôi trâu nhốt chuồng ở các địa khác.
Ngay sau khi đi tìm hiểu thị trường, cách nuôi và những kinh nghiệm có được trên mạng Internet anh Huân đã bàn với gia đình và nuôi thử 5 chú trâu. Thuận lợi đầu ra, lại thấy có ít dịch bệnh… hơn cả là đã có lãi từ việc bán trâu. Anh Huân đã ngày một tự tin vào quyết định đúng hướng của mình.
Với số vốn và kinh nghiệm tích luỹ năm 2019 anh Huân đã có quyết định táo bạo đầu tư 500 triệu đồng để mở trang trại chăn nuôi trâu nhốt chuồng. Với 500 triệu anh Huân đã xây dựng chuồng nuôi mới, chia thành các ngăn riêng, trồng thêm cỏ, mua thêm trâu…
Anh Huân tâm sự: Trước đây tôi cũng giống như nhiều người khác ở trong xã, trong huyện đi làm ở các công ty dưới Bắc Ninh, Bắc Giang, thu nhập cũng khá ổn định. Nhưng những ngày nghỉ ở nhà nhìn thấy những cánh đồng ngày xưa nuôi trâu không còn con nào, do nhà nào cũng bán vì không có người chăn, vì cơ giới hoá trong nông nghiệp… Vì vậy tôi đã liều một phen mạnh dạn đầu tư vào nuôi trâu nhốt để tạo thu nhập.
Từ năm 2019 đến nay mỗi năm gia đình anh Huân đều nuôi trâu vỗ béo từ 100 con trở lên. Anh Huân chia sẻ thêm “Việc nuôi trâu vỗ béo cũng khác với nuôi truyền thống, phải biết xem trâu “gầy” mua về nuôi vỗ béo, chứ không phải trâu “bệnh”, trâu gầy thì mới nuôi vỗ béo được”.
Trâu được anh Huân mua ở khắp các nơi, đây đều lchưa quá già; khi về sẽ được tiêm phòng dịch bệnh… Mỗi con trâu sẽ được nhốt riêng vào một khung ô chuồng để thuận lợi trong việc chăm sóc và kiểm tra hàng ngày.
Thức ăn nuôi nhốt trâu vỗ béo chủ yếu là cỏ voi và bổ sung thêm tinh bột như: Bột ngô, cám gạo, khoai, sắn… đều là các sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương. Để tạo nguồn cỏ voi để làm thức ăn chăn nuôi ổn định, gia đình anh Huân đã trồng 4 sào và thuê thêm diện tích của các hộ khác để trồng ngô, sắn, khoai làm thức ăn cho trâu.
Thời gian nuôi trâu vỗ béo cũng không quá dài từ 3-4 tháng là có thể xuất bán, rồi vệ sinh chuồng trại để nuôi đàn mới. Từ việc nuôi trâu vỗ béo mà đến nay mỗi năm thu nhập gia đình của anh Huân cũng đạt từ 500-700 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra anh còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động ở địa phương.
Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Huân còn luôn nhiệt tình giúp đỡ các hộ gia đình trong xã Vân Nham, các hộ có nhu cầu về kỹ thuật, kinh nghiệm xây dựng chuồng trại, chăm sóc, thậm chí cả việc bao tiêu sản phẩm trâu thịt. Do vậy đến nay đã có 7 hộ gia đình trong xã Vân Nham phát triển mô hình nuôi trâu thương phẩm có quy mô từ 10 con trở lên, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cho các hộ gia đình.