Thảo luận

Thực trạng và giải pháp phát triển chuỗi cung ứng nông sản ở tỉnh Đắk Nông

(Tapchinongthonmoi) Nội dung bài viết là một phần kết quả nghiên cứu thuộc Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh “Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ xoài, bơ, sầu riêng an toàn theo chuỗi giá trị hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”, thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2022. Bài viết tập trung đánh giá thực trạng chuỗi cung ứng mặt hàng xoài, bơ và sầu riêng; phân tích thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức, đề xuất giải pháp phát triển hướng tới xuất khẩu.
Vụ cà chua năm nay người dân vùng biên Tuy Đức phấn khởi vì vừa trúng mùa, lại được giá. Ảnh: Nguyễn Tâm

Đặt vấn đề

Xoài, bơ và sầu riêng là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Đắk Nông, theo Quyết định số 2096/QĐ-UBND, năm 2018. Đây là một trong những cây trồng thế mạnh của tỉnh Đắk Nông nhờ lợi thế về khí hậu và đất đai thích hợp. Diện tích cây ăn trái phát triển khá nhanh năm 2010 từ 3.494ha đã tăng lên 5.594ha (năm 2016) và 14.858,6ha (năm 2020); phát triển mạnh nhất là diện tích xoài, bơ và sầu riêng, đạt mức 8.283,2ha (chiếm trên diện tích cây ăn trái). Đặc biệt trong 10 năm qua, tổng diện tích ba loại cây này đã tăng lên gấp 03 lần, Diện tích tăng nhiều nhất vào các năm 2017, 2018. Tuy nhiên, phương thức trồng chủ yếu là trồng xen trong vườn cây công nghiệp dài ngày. Thu nhập tăng thêm bình quân từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng/ha so với trồng thuần các loại cây công nghiệp dài ngày (tùy theo loại cây ăn trái).

Những vấn đề chính đang đặt ra đối với các chuỗi cung ứng trái cây chủ lực của tỉnh Đắk Nông là: (i) Đâu là vấn đề còn thiếu ở chuỗi sản phẩm xoài, bơ, sầu riêng Đắk Nông? (ii) Làm thế nào để có thể cải tiến, hoàn thiện trong khâu bảo quản, chế biến? (iii) Có cần thiết phải xây dựng các mô hình thí điểm, đồng bộ từ sản xuất, cấp mã vùng trồng, thành lập sổ ghi chép điện tử, đến liên kết tiêu thụ chế biến sản phẩm sẽ đóng góp như thế nào vào chiến lược phát triển cây ăn trái (trái cây) của tỉnh Đắk Nông? (iv) Đâu là tác nhân đang đóng vai trò chính và chi phối chuỗi cung ứng cây ăn trái tỉnh Đắk Nông? (v) Những giải pháp, cơ chế, chính sách nào sẽ giúp nâng cao giá trị cho chuỗi trái cây của tỉnh? và (vi) Đâu là cơ hội và thách thức chính đối với chuỗi cung ứng trái cây tỉnh Đắk Nông? ... Để giải quyết vấn đề này, cần phải có cách tiếp cận toàn diện dọc theo chuỗi cung ứng, xem xét tất cả các khâu, các mắt xích, các tác nhân, các mối quan hệ để từ đó tìm ra những vấn đề của chuỗi để đề xuất giải pháp. Đó cũng chính là lý do để nhóm nghiên cứu(3) tập trung đánh giá, phân tích và tìm hướng giải đáp để hoàn thiện chuỗi cung ứng xoài, bơ, sầu riêng tỉnh Đắk Nông, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập bền vững cho người dân địa phương.

Thực trạng sản xuất xoài, bơ, sầu riêng tỉnh Đắk Nông

Trong 10 năm qua, tổng diện tích cây xoài, bơ và sầu riêng đã tăng lên gần 03 lần (so với năm 2010); đặc biệt, giai đoạn 2017 - 2018 giá cây hồ tiêu xuống thấp, giá cà phê, điều, bơ không ổn định, nên diện tích cây bơ và sầu riêng đã tăng làm cho tổng diện tích xoài, bơ, sầu riêng năm 2020 tăng lên 2,25 lần so với diện tích của năm 2018. Kết quả phân tích xu hướng biểu đồ dưới đây đã cho thấy, diện tích cây ăn trái nói chung tăng bình quân mỗi năm 7 - 8%, nhưng diện tích cây bơ và sầu riêng tăng giai đoạn 2015 - 2016 là 30%, và tăng mạnh năm 2019 lên mức 80% (gấp 1,4 lần) so với năm trước đó. Diện tích bơ tăng đều mỗi năm khoảng 40%, riêng năm 2020 tăng mạnh với mức 84% so với năm trước đó. Theo khảo sát của nghiên cứu, hầu hết diện tích tăng lên theo hình thức tự phát của các hộ gia đình. Dự báo trong 05 năm tới, diện tích sẽ tăng lên khoảng 11.474ha. Xu hướng này đã cho thấy, hiệu quả từ sản xuất xoài, bơ và sầu riêng là lý do chính dẫn đến việc tăng diện tích. (xem hình 1)

Hình 1: Xu hướng phát triển xoài, bơ, sầu riêng giai đoạn 2016 - 2020. (Nguồn: Nguyễn Mạnh Hiểu, Lê Đức Thông và nhóm thực hiện đề tài, năm 2022).

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, trong tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh Đắk Nông, có trên 55,57% là ba loại cây xoài, bơ và sầu riêng, phần còn lại là diện tích nhiều loại cây ăn trái khác, với tỷ lệ diện tích nhỏ. Mặc dù diện tích cân ăn quả (chủ yếu là xoài, bơ và sầu riêng) có tốc độ tăng rất lớn trong 10 năm qua (gấp 03 lần diện tích), nhưng tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh chỉ có trên 3,2% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn (như VietGAP, GLobalGAP …), nhiều địa phương tỷ lệ này còn ở mức dưới 1%, như huyện Cư Jút, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong. Những địa phương có tỷ lệ diện tích đang sản xuất theo tiêu chuẩn lớn nhất cũng chỉ đạt trên 10% là TP. Gia nghĩa và huyện Đắk Mil. Kết quả phân tích cũng cho thấy, nhiều huyện có xu hướng tăng diện tích cây ăn trái cao, từ 4% - 14% thì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn vẫn ở mức rất thấp. (xem hình 2)
 Trong tổng số gần 8.300ha, diện tích xoài chỉ chiếm gần 14% (1.146ha), sản xuất tập trung tại hai huyện Cơ Jút và Đắk Mil; Diện tích bơ cao nhất với gần 48% (trên 3.966ha), tập trung nhiều hơn ở các huyện Đắk Song, Tuy Đức và diện tích cây sầu riêng chiếm trên 38% (3.171ha), tập trung nhiều hơn ở các huyện Đắk Song, Tuy Đức và Đắk Mil. Như vậy, vùng sản xuất xoài, bơ, sầu riêng tập trung nhiều ở các huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song và Tuy Đức.

Hình 2: Diện tích đất sản xuất xoài - bơ - sầu riêng các địa phương, năm 2019. (Nguồn: Nguyễn Mạnh Hiểu, Lê Đức Thông và nhóm thực hiện đề tài, năm 2022).

Giai đoạn 05 năm tới, tại hầu hết các huyện diện tích xoài, bơ, sầu riêng đều có xu hướng tăng, đặc biệt là 4 huyện Krông Nô, Đắk Song, Đắk R’Lấp và Tuy Đức diện tích này sẽ tăng lên từ 1.000 - 5.000ha. Dự báo của ngành Nông nghệp các huyện, diện tích cây ăn trái sẽ tăng lên khoảng 15.000ha, trong đó riêng diện tích xoài, bơ và sầu riêng sẽ tăng lên gần 11.500ha. Như vậy đến năm 2025, dự kiến diện tích xoài, bơ, sầu riêng của tỉnh sẽ ở mức 20.000ha. Đây là giai đoạn cần có một chiến lược ổn định cho ngành hàng này, phát triển theo các chuỗi cung ứng bền vững và hướng tới xuất khẩu.

Phân tích chuỗi và vai trò các tác nhân

Vai trò các hộ sản xuất: Hộ đóng vai trò quyết định về quy mô sản xuất, khối lượng nguyên liệu và chất lượng nguyên liệu. Hộ cũng đóng vai trò tiếp cận với quy trình và công nghệ sản xuất mới, công nghệ tiên tiến và áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất;
Vai trò các cơ sở thu gom: Cơ sở đóng vai trò cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất, thu mua sản phẩm, phân loại sản phẩm và 60% sản phẩm đã được các cơ sở trực tiếp tổ chức thu hoạch tại vườn. Cơ sở thu gom cũng đóng vai trò trong việc kiểm soát nguồn nguyên liệu và kết nối cung ứng sản phẩm với các DN lớn ngoài tỉnh, với khoảng 80% khối lượng nguyên liệu;

Vai trò các DN nhỏ trong nội tỉnh: DN nhỏ trong nội tỉnh vừa đóng vai trò tổ chức cung ứng vật tư, thu mua nguyên liệu tại những vùng trồng xoài, bơ, ổn định mà DN đã và đang có quan hệ ban hàng; đồng thời các DN này cũng mở rộng việc thu mua nguyên liệu từ các cơ sở thu gom trong tỉnh. Một vai trò quan trọng của các DN này là lựa chọn và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các DN lớn ngoài tỉnh, hàng năm tiêu thụ 15%/ tổng khối lượng sản phẩm;

Vai trò các DN lớn ngoài tỉnh: DN lớn ngoài tỉnh đóng vai trò xuất khẩu 95% khối lượng sản phẩm, chủ yếu đến với thị trường Trung Quốc. Một trong những vai trò quan trọng của các DN này là định giá nguyên liệu, dựa trên giá xuất khẩu sản phẩm. Một vai trò khác đó là các DN sẽ góp phần định hướng phát triển ngành sản xuất cây ăn quả (CĂQ) nói chung và đối với hướng phát triển sản xuất xoài, bơ, sầu riêng nói riêng.

Đánh giá tiềm năng, hạn chế trong chuỗi

* Tiếm năng phát triển chuỗi

Những năm gần đây, xu hướng nhu cầu thị trường tăng là yếu tố quan trọng thúc đẩy hộ gia đình phát triển diện tích xoài, bơ và sầu riêng: Giai đoạn trong 5 năm qua, tuy giá cả thị trường vẫn chưa ổn định, nhưng nhu cầu thị trường tăng cao, đặc biệt là đối với cây sầu riêng - luôn trong tình trạng khan hiếm hàng. Vì vậy, diện tích xoài, sầu riêng tăng lên 3 lần và diện tích bơ tăng lên xấp xỉ 4 lần. Đặc biệt, trong 03 năm gần đây, diện tích vẫn tăng lên rất mạnh. Sự tăng mạnh về diện tích đã chứng minh hiệu quả ba loại cây trồng nay so với các cây truyền thống, như: cà phê, tiêu, điều …;

Điều kiện về địa hình có thể cho phép áp dụng cơ giới hóa và có thể phát triển xoài, bơ, sầu riêng ứng dụng công nghệ cao: Trên thực tế, những cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông đã và đang từng bước áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như: công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ theo dõi dịch hại… đặc biệt là công nghệ bảo quản. Đây cũng là tiền đề để có thể áp dụng mạnh công nghệ nhằm nâng giá trị xoài, bơ, sầu riêng.

Lợi thế xuất khẩu chính ngạch đến thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác là một khó khăn: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 12 tỉnh Đắk Nông đã được cụ thể hóa trong đề án tái cơ cấu ngành. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển những loại cây trồng chủ lực theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, gắn với phát triển thương hiệu, phát triển chỉ dẫn vùng trồng. Do đó, nếu chỉ dẫn vùng trồng được áp dụng mạnh đối với sản xuất xoài, bơ, sầu riêng sẽ tạo lợi thế quan trọng so với nhiều địa phương khác trong nước để có thể xuất khẩu chính ngạch đến thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khó tính khác;

Kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm có thể làm tăng giá trị sản phẩm lên 3 lần: Kết quả theo dõi giá bán bơ trong 05 năm qua của ngành nông nghiệp cho thấy, giá xoài, bơ, sầu riêng vào thời điểm trễ vụ , có thể làm cho giá bán tăng lên từ 3 - 4 lần. Nếu so với chi phí bảo quản, giá trị sản phẩm vẫn có thể tăng lên từ 2 - 2,5  lần(4) so với mức giá phổ thông.

Thách thức đối với sự phát triển chuỗi giá trị

Thiếu vai trò kinh tế tập thể hỗ trợ sự phát triển kinh tế hộ: Theo số liệu ngành Nông nghiệp, tỉnh hiện có 156 HTX NN. Trong tổng số 23 mô hình liên kết hiện có của tỉnh (theo Nghị Định 98/2018/NĐ-CP), chỉ có 15 mô hình có sự tham gia của HTX, THT - số lượng quá ít so với tổng diện tích cả tỉnh. Vai trò kinh tế tập thể chưa được thể hiện rõ nét, chưa thu hút mạnh mẽ sự tham gia của hộ sản xuất là lý do làm giảm cơ hội liên kết, phát triển thị trường đối với ngành cây ăn quả (CĂQ) nói chung và đối với phát triển xoài, bơ, sầu riêng nói riêng;

Thiếu các mô hình điểm về phát triển theo chuỗi cung ứng an toàn hướng tới xuất khẩu: Thực tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mới hình thành 02 mô hình liên kết theo chuỗi và một số rất ít mô hình bảo quản sản phẩm chưa thực sự tạo sự chuyển biến và tính chất lan tỏa đến các vùng trồng xoài, bơ, sầu riêng.

Giá cả thị trường giao động mạnh là nguyên nhân khiến nhiều hộ không tập trung đầu tư chăm sóc, nâng cao năng suất: Theo đánh giá của các hộ gia đình, năng suất xoài và bơ có thể giao động mạnh tùy thuộc vào sự đầu tư thâm canh của hộ. Trong trường hợp, xu hướng thị trường xuống thấp, hộ gia đình sẽ không đầu tư thâm canh và ngược lại. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất xoài, bơ và sầu riêng.

Vai trò trung gian của các cơ sở thu gom hiện nay không thuận lợi cho phát triển các chuỗi cung ứng an toàn: Trên thực tế, các cơ sở thu gom đóng vai trò chi phối, kiểm soát các chuỗi cung ứng xoài, bơ, sầu riêng; Nhưng không tạo điều kiện cho các chuỗi cung ứng an toàn, gắn sản xuất với bảo quản và tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến xuất khẩu. Để trung hòa được vai trò các cơ sở thu gom, cần đến vai trò các tổ chức kinh tế của người dân và rất cần đến vai trò của Nhà nước;

Mở rộng diện tích có thể dẫn đến khủng hoảng nguồn cung nguyên liệu xoài, bơ, sầu riêng: Trong điều kiện hiện nay, có 8.300ha, với trên 50% diện tích cho trái, nguồn nguyên liệu đang được cung ứng ra thị trường một cách tương đối ổn định. Nếu diện tích mở rộng tối đa lên mức 20.000ha, với 100% diện tích cho trái, tổng sản lượng nguyên liệu ước tăng lên gấp 5 lần so với hiện tại; Nếu không có các chuỗi cung ứng được tổ chức ổn định, có thể sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng nguồn cung xoài, bơ và sầu riêng.

Đề xuất giải pháp phát triển bền vững chuỗi cung ứng sản phẩm xoài, bơ, sầu riêng
Ngành Nông nghiệp tỉnh cần tham mưu để UBND tỉnh ban hành chương trình phát triển chuỗi cung ứng xoài, bơ, sầu riêng an toàn hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, với thời hạn 10 năm và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, bản kế hoạch có thể tính tới quy mô phát triển 20.000ha; kèm theo đó là các điều kiện để có thể phát triển từng bước, bền vững, xây dựng được thương hiệu sản phẩm của tỉnh.

Chính quyền cấp huyện và xã bằng nhiều hình thức công bố sâu, rộng về quy hoạch sản xuất các loại cây trồng chủ lực của địa phương; đặc biệt đối với cây cao su, cà phê, tiêu, điều, cây xoài, bơ, sầu riêng; để hộ gia đình dễ tiếp cận và bố trí sản xuất phù hợp với điều kiện hạ tầng sản xuất từng địa phương;

Tỉnh nên cân nhắc, ban hành chính sách vay vốn ưu đãi đối với hộ gia đình trong giai đoạn kiến thiết vườn cây cơ bản, tạo điều kiện các hộ chuyển đổi vườn cây;

Trong kế hoạch phát triển kinh tế tập thể của tỉnh, ưu tiên phát triển các HTX, THT trong lĩnh vực CĂQ, tạo điều kiện hình thành các chuỗi cung ứng xoài, bơ, sầu riêng với vùng nguyên liệu rộng lớn và ổn định;

Trong các chích sách khuyến nông của tỉnh, ưu tiên phát triển chỉ dẫn vùng trồng và chứng chỉ VietGAP cho cây xoài, bơ và sầu riêng; tạo điều kiện hình thành vùng nguyên liệu có tiêu chuẩn, an toàn và hướng tới xuất khẩu.

Tỉnh cần bố trí tăng cường nguồn vốn để xây dựng nhiều hơn nữa các mô hình bảo quản xoài, bơ, sầu riêng vừa làm tăng giá trị sản phẩm, vừa thu hút hộ sản xuất với dòng sản phẩm chất lượng cao, an toàn.

Tận dụng tối đa nguồn vốn ba Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) để phát triển các liên kết (theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP), ưu tiên lấy doanh nghiệp làm chủ dự án, tạo các chuỗi cung ứng xoài, bơ, sầu riêng hướng tới xuất khẩu.

Bên cạnh việc phát triển nhãn hiệu tập thể như: Xoài, sầu riêng Đắk Mil; Ngành Nông nghiệp cấp huyện và xã tích cực vận động các HTX, THT và trang trại xoài, bơ, sầu riêng phát triển sản phẩm OCOP, dần hình thành và phát triển thương hiệu xoài, bơ, sầu riêng tỉnh Đắk Nông.

Giai đoạn 2021 - 2025, trong quá trình triển khai thực hiện ba Chương trình MTQG; Các cấp địa phương cần tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; trong đó ưu tiên một số mô hình chuỗi cung ứng xoài, bơ, sầu riêng ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản phẩm an toàn, theo hướng xuất khẩu. Đây sẽ là mô hình thử nghiệm, làm tiền đề cho việc mở rộng các mô hình chuỗi sau này. 

(1) Viện cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (VIAEP)
 (2) Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển NNNT (IPSARD)
(3) Nguồn thông tin bài viết này được trích dẫn từ đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh Đắk Nông, năm 2020 - 2022; Nhóm nghiên cứu Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn.
(4) Tính toàn sơ bộ của Bộ môn Bảo quản sau thu hoạch, Viện Cơ điện NN & CNSTH (VIAEP), 2020.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác