Nhà nông với khoa học, kỹ thuật

Hà Giang:

Tích cực đưa nông sản lên sàn điện tử

Nguyễn Lan - 07:05 18/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhờ tham gia sàn thương mại điện tử, nông dân tại các huyện vùng cao Hà Giang đã có thể dễ dàng giới thiệu và quảng cáo sản phẩm trực tiếp tới người tiêu dùng.

Thông qua hình thức này, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đã được nâng tầm vị thế, tham gia vào các hệ thống phân phối hiện đại và phát triển sang thị trường một số nước, mở ra hướng phát triển bền vững.

Cán bộ Hội Nông dân tỉnh Hà Giang hướng dẫn thành viên HTX Anh Tài, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) sử dụng mạng xã hội quảng cáo cam Sành.

Đưa nông sản Hà Giang nâng tầm và vươn xa

Hình thức Livestream bán hàng từ nhiều năm nay đã được hợp tác xã (HTX) Tây Côn Lĩnh (huyện Vị Xuyên) áp dụng. Từ việc tương tác trực tiếp với khách hàng, trả lời những câu hỏi của khách hàng một cách tỉ mỉ cẩn thận, khách hàng cũng có thể trải nghiệm qua màn hình những đồi chè vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất chế biến, tham quan gian trưng bày của HTX. Công nghệ đã đưa khách hàng đến gần hơn với doanh nghiệp, HTX và người nông dân.

Bà Phạm Thị Minh Hải, Giám đốc HTX Tây Côn Lĩnh cho biết, chúng tôi đón nhận được rất nhiều phản hồi từ khách hàng, mọi người hiểu hơn, trân trọng hơn và mọi người nhìn được xuyên suốt chặng đường của doanh nghiệp đi và phát triển để từ đó khách hàng yên tâm khi sử dụng sản phẩm của HTX.

HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn (xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê) cũng đang tận dụng tối đa hình thức bán sản phẩm trên các nền tảng số, HTX sản xuất tinh bột nghệ  mỗi năm doanh thu lên tới 10 tỷ đồng, trong đó có tới 4 tỷ là từ bán hàng trực tuyến. HTX đạt nhiều danh hiệu như thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018; Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019. Đặc biệt, 9/9 sản phẩm của HTX đều đã đạt các tiêu chuẩn OCOP. Năm 2023 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thị trường tiêu thụ của HTX khi đơn vị đã liên kết với Công ty Dược Hà Nội đưa sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ - một thị trường khó tính và khắt khe về chất lượng. Niên vụ 2023-2024 sản lượng xuất khẩu của HTX trung bình đạt 4 tạ tinh bột nghệ/tuần. Cơ hội để người nông dân cải thiện thu nhập từ cây nghệ đang mở ra tươi sáng hơn. Đó cũng là kết quả từ những nỗ lực không ngừng chăm chút cho thương hiệu sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng từ các khâu kết nối, quảng bá trên nền tảng công nghệ số.

Nông dân Quang Bình ứng dụng chuyển đổi số bán hàng trực tuyến.

Nâng cao giá trị nhờ bán hàng trên nền tảng công nghệ

Không chỉ những doanh nghiệp lớn, hình thức bán hàng trực tuyến còn phổ biến đến những hộ nông dân khu vực vùng sâu, vùng xa.

Khoảng 2 năm trở lại đây, một phần công việc hàng ngày của chị Lý Mùi Chiều, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) là sử dụng điện thoại để chụp ảnh hoặc livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết của địa phương tới người tiêu dùng trong cả nước. Để tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng, chị đã tích cực quảng bá, đưa sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok...

Chị Lý Mùi Chiều chia sẻ: Việc ứng dụng công nghệ đã giúp gia đình tôi tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn với nhiều đối tượng khách hàng đến từ mọi miền Tổ quốc. Nhiều người tiêu dùng ở các tỉnh, thành cũng đã đặt mua chè của gia đình tôi vì được sao, sấy hoàn toàn thủ công và nguyên liệu nằm trong vùng chè đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Không những giúp người bán không tốn chi phí mở cửa hàng, thuê nhân viên, dễ dàng hơn trong tiêu thụ mà việc đưa sản phẩm lên các nền tảng số còn đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như không cần đến tận nơi mà khách hàng vẫn có thể biết tất cả những thông tin thuộc tính của sản phẩm mình sẽ mua như: Màu sắc, hình dáng, xuất xứ… Nhiều kênh bán hàng trực tuyến còn hiển thị cả những đánh giá của người mua, giúp khách hàng dễ dàng hơn khi lựa chọn.

Tương tự, nhờ vào các sàn thương mại điện tử, người nông dân huyện Quang Bình đã có thể dễ dàng giới thiệu và quảng cáo sản phẩm nông nghiệp của mình trực tiếp tới người tiêu dùng. Qua các ứng dụng như zalo, facebook người dân có thể thông tin chi tiết về sản phẩm và dịch vụ mình, đồng thời giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng.

Huyện Quang Bình đã có 26 sản phẩm OCOP được lên sàn giao dịch điện tử. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử. Từ đó thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người dân đã được mở rộng.

 Được biết, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã chú trọng tập huấn cho nông dân nâng cao kiến thức trong nông nghiệp; vận động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm; phối hợp với bưu điện tỉnh tuyên truyền, giới thiệu và kết nối tiêu thụ hàng nông sản chất lượng của nông dân lên sàn TMĐT.

Việc được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT đã giúp cho nông dân dễ dàng tiếp cận công nghệ số và chủ động kinh doanh trên sàn TMĐT. Điển hình là việc bán hàng online dần trở nên phổ biến, người nông dân chuyển từ thói quen sản xuất theo số lượng sang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Đến nay, tỉnh Hà Giang đã có 8 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, một số sản phẩm đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, tỉnh đã đánh giá phân hạng cho trên 270 sản phẩm đạt từ 3 đến 5 sao. Đây là những lợi thế lớn để các sản phẩm khẳng định uy tín trên thị trường, góp phần phát triển nông nghiệp chất lượng cao. 

Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã chú trọng tập huấn cho nông dân nâng cao kiến thức trong nông nghiệp; vận động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT đã giúp cho người nông dân dễ dàng tiếp cận công nghệ số và chủ động kinh doanh trên sàn TMĐT.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác