Nông thôn mới

Tiền Giang: Đẩy mạnh cải cách hành chính là tiền đề xây dựng nông thôn mới

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 07:26 27/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Được sự quan tâm của cấp, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực, hiệu quả. Từ đó, là tiền đề để xây dựng nông thôn mới (NTM).

Giai đoạn 2021 - 2025, CCHC là một trong những tiêu chí cần phải thực hiện để đạt xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu hay huyện NTM nâng cao. Hành chính công là tiêu chí số 15 trong xây dựng NTM nâng cao,  là một trong những nội dung của tiêu chí số 4 xây dựng NTM kiểu mẫu. UBND tỉnh Tiền Giang đã kịp thời chỉ đạo các sở, ban nghành, địa phương nhanh chóng triển trai, đẩy mạnh kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, đặc biệt là CCHC.

Trong đó, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã tiên phong và đẩy mạnh CCHC trên địa bàn. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Chợ Gạo đều đạt chuẩn NTM, cơ sở vật chất bộ phận “một cửa” được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp khang trang. Bộ phận “một cửa” được chia thành từng cửa giao dịch tương ứng với từng lĩnh vực hành chính, được trang bị bàn ghế làm việc khép kín, có máy tính, tủ đựng hồ sơ, tủ sách tuyên truyền pháp luật, hòm thư góp ý, ghế ngồi chờ cho người dân khi đến làm việc.

Ngoài ra, tại địa phương sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo đúng chuyên môn đào tạo để hiệu quả công tác CCHC ngày càng được nâng cao. Theo đó, tổng hợp từ hệ thống đánh giá tự động về Chỉ số hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức bộ phận “một cửa” huyện và các xã đạt trên 98%.

Mô hình tại “Công dân không viết” xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: ĐVCC

Đồng thời, rà soát các TTHC đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, nghiên cứu, áp dụng những mô hình, sáng kiến mới vào CCHC. Trong đó, 100% cán bộ, công chức đều thực hiện tiếp nhận, luân chuyển, xử lý văn bản đi, văn bản đến, trình duyệt, ký số, phát hành văn bản trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% văn bản và hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng; giúp quá trình giải quyết TTHC nhanh gọn, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu của tổ chức và công dân. Phòng Tiếp dân cũng được bố trí gần bộ phận “một cửa” nên có vần đề gì người dân thắc mắc đều được lãnh đạo xã trả lời thỏa đáng.

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Tiền Giang, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo đang phấn đấu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu trong năm 2024. Những năm qua, địa phương luôn nỗ lực giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng NTM cũng như thực hiện CCHC.

"Trong quá trình triển khai và xây dựng xã NTM kiểu mẫu, công tác CCHC được xã Bình Ninh đặt lên hàng đầu, vì đây là khâu then chốt nhất. Trong đó, năng lực và thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức luôn được chú trọng. Từ sự chuyên nghiệp, năng động, nêu cao tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, việc tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu của người dân được giải quyết kịp thời, đúng hẹn. Trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cùng với đầu tư cơ sở vật chất, các xã, thị trấn trên địa bàn, UBND huyện tiếp tục mở rộng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” với khẩu hiệu “5 biết, 3 không, 4 thể hiện”, ông Nguyễn Tấn Tài, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho hay.

Ông Phan Thanh Danh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết: Triển khai mô hình, các địa phương đều quan tâm sắp xếp, chỉnh trang phòng tiếp nhận và trả kết quả; niêm yết công khai các nội dung liên quan đến cải cách TTHC; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng các hòm thư góp ý; công khai số điện thoại của lãnh đạo xã, phường, thị trấn để tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC. Đồng thời, các xã còn thực hiện tốt mô hình “Tổ hỗ trợ người dân giải quyết TTHC"…

Tại các xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, mỗi tiêu chí được hoàn thành đều có sự tác động của việc đơn giản hóa TTHC, từ thủ tục vay vốn, thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, hưởng chế độ ưu đãi... Qua đó tạo niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân khi tham gia đóng góp xây dựng NTM. Để hoàn thành tốt công việc được giao, cán bộ, công chức không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, nhất là kiến thức về công nghệ thông tin để ứng dụng trong công việc. Bên cạnh đó, lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn các xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức nộp hồ sơ trực tuyến.

Ngoài ra, tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tiến hành cải cách hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm được huyện tập trung thực hiện trong nhiều năm qua. UBND huyện Cai Lậy và UBND 16 xã, thị trấn tổ chức 100 cuộc gặp gỡ người dân, doanh nghiệp về các nội dung liên quan đến Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công. Qua đó, tiếp nhận hơn 840 ý kiến, trong đó 92% ý kiến, kiến nghị đã được các ngành, UBND các xã, lãnh đạo UBND huyện giải quyết trực tiếp và phản hồi. Đánh giá mức độ hài lòng ở cấp huyện, tỷ lệ rất hài lòng chiếm 52%, hài lòng 48%, cấp xã mức độ rất hài lòng đạt 96% và hài lòng đạt 4%.

Tại xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, mô hình “Công dân không viết” nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực từ phía người dân. Các tổ chức, công dân khi thực hiện TTHC liên quan đến xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử... thay vì hướng dẫn công dân phải tự viết thì công chức bộ phận “một cửa” sẽ đánh máy hoặc viết tay cho tổ chức, cá nhân. Khi viết xong, công chức sẽ đọc lại toàn bộ nội dung hoặc để công dân kiểm tra lại độ chính xác của thông tin, sau đó công dân chỉ việc ký tên hoặc điểm chỉ vào tờ khai.

Theo bà Lê Thị Kim Pha, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh Tiền Giang (TTHCC): Nhằm nâng cao công tác cải cách thủ tục hành chính, UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu mang lại một số kết quả thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, (TTHCC) đã tiếp nhận hơn 65.000 hồ sơ; trong đó, có hơn 30.000 hồ sơ trực tuyến, hơn 30.000 hồ sơ trực tiếp, dịch vụ bưu chính, gần 3.000 hồ sơ kỳ trước chuyển qua. Tỷ lệ kết quả giải quyết hồ sơ trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 95,81%. Các đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến, tỷ lệ đạt 100%; số hóa hồ sơ đạt 100%; công chức, viên chức tại các quầy đều thực hiện tốt việc kết nối, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác