Nông nghiệp

Tìm giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn và tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi

07:24 19/03/2022 GMT+7
Sáng 18/3, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Ngành Chăn nuôi đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức

Thời gian qua, ngành chăn nuôi của nước ta không chỉ gặp khó khăn do dịch bệnh đặc biệt tác động của dịch tả lợn châu Phi. Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới gây nhiều tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, cung ứng nông sản. Ngành chăn nuôi cũng gánh chịu nhiều thiệt hại do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm tăng cao, lợi nhuận người chăn nuôi giảm mạnh.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, trong thời gian qua, tăng trưởng đàn lợn của nước ta có sự biến động mạnh về tổng đàn và sản lượng sản xuất, trong đó tổng đàn lợn đạt cao nhất vào năm 2016 (29,1 triệu con), sau đó do có khủng hoảng thừa, tổng đàn lợn giảm xuống vào năm 2017 (27,4 triệu con), tăng trở lại vào năm 2018 (28,1 triệu con), sau đó bị giảm sâu kỷ lục vào năm 2019 do dịch tả lợn Châu Phi (19,6 triệu con). Tổng đàn lợn được hồi phục nhẹ năm 2020 (22,0 triệu con) và tăng trưởng trở lại vào năm 2021 (28 triệu con).

Theo Cục Chăn nuôi, hiện tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28 triệu con, Ảnh minh họa Vissan

Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2021 đạt 3,9 triệu tấn. Cũng do dịch tả lợn châu Phi dẫn đến nguồn cung thịt trong năm 2020 và đầu năm 2021 sụt giảm, khiến Việt Nam phải tăng nhập khẩu thịt lợn. Nhập 447,6 ngàn con lợn sống để giết thịt, tương đương 44,8 ngàn tấn thịt (tính bình quân 100 kg/con). Tổng số lượng thịt lợn và phụ phẩm nhập khẩu khoảng 148 ngàn tấn (tương đương 4,3% tổng sản lượng thịt lợn hơi sản xuất năm 2020). Chỉ tính riêng năm 2021, Việt Nam nhập khẩu khoảng 346.000 con lợn sống (từ Thái Lan) và khoảng 143.463 tấn thịt lợn từ Nga, Brazil, Mỹ, Đức, Ba Lan.

Tại Việt Nam, từ tháng 01/2021 đến tháng 8/2021 giá lợn thịt hơi xuất chuồng giảm 30-35%, duy trì ở mức thấp 43-49 ngàn đồng/kg; đến tháng 11/2021 tăng nhẹ lên trên 50 ngàn đồng/kg; tháng 12/2021 giá tăng lên và dao động quanh mức 54-57 ngàn đồng/kg và duy trì đến trung tuần tháng 02/2022. Đến cuối tháng 02/2022, giá lợn thịt hơi xuất chuồng có xu hướng giảm xuống còn 53-56 ngàn đồng/kg, sang đầu tháng 3/2022 giá giảm còn 50-53 ngàn đồng/kg.

Năm 2021, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên với tổng đầu con 11,7 triệu con chiếm tỷ lệ 41,6% so với tổng đàn lợn của cả nước. Trong đó bao gồm:

+ Cơ sở trang trại chăn nuôi quy mô lớn: có 1.627 cơ sở nuôi lợn từ 1.500 con trở lên, tổng số lợn là 6,8 triệu con, chiếm 24,2% tổng đàn lợn của cả nước;

+ Cơ sở chăn nuôi lợn quy mô vừa: có 10.687 cơ sở chăn nuôi lợn từ 100 con trở lên với tổng số đầu lợn là 3,2 triệu con, chiếm tỷ lệ 11,4 % tổng đàn của lợn cả nước;

+ Cơ sở chăn nuôi lợn quy mô nhỏ: có 8.529 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con đến 99 con trở lên với tổng số đầu lợn là 1,7 triệu con chiếm tỷ lệ 6,1 % tổng đàn lợn của cả nước.

Năm 2021 tổng đàn lợn thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn quy mô lớn, đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và nước ngoài (CP, Jafa comfeed, Newhope, CJ, Emivest, Cargill...) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.

Giá lợn giống vẫn duy trì ở mức 1,1-1,3 triệu đồng/con. Tuy nhiên ngành chăn nuôi lợn đang đứng trước khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ cuối năm 2021 tới nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng kỷ lục - đề nghị các doanh nghiệp sản xuất không tăng giá 

Việc tăng giá kỷ lục giá nguyên liệu TACN của thị trường quốc tế do tăng giá năng lượng mà chủ yếu là do hậu quả của xung đột giữa Nga – Ucraina đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi.

Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22% (mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý: từ 2,6 triệu giảm xuống 1,2 triệu/con) nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.

Từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18-22%, Ảnh minh họa Vũ Sinh

Tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các doanh nghiệp sản xuất không tăng giá thức ăn chăn nuôi. "Trước mỗi khó khăn, thách thức thì hệ sinh thái nhà nước, doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân cần gắn bó, chia sẻ với nhau để tạo sức mạnh chung. Rất mong các doanh nghiệp không vội tăng giá để chia sẻ cùng người chăn nuôi" – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Trước việc phải nhập khẩu rất lớn lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, Thứ trưởng Tiến cho hay đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn đang được xây dựng sẽ hướng đến giải quyết vấn đề thức ăn chăn nuôi theo từng vùng, miền gắn với các cơ sở chăn nuôi. Như vậy, chuỗi sản xuất từ giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi và logistics với nhà máy chế biến thực phẩm cần được cơ cấu lại.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, giá thức ăn chiếm tới 65-70% giá thành trong chăn nuôi. Do đó, trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì việc ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu phần ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp để tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong nước, phục vụ xuất khẩu. Đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản trị sản xuất các lĩnh vực của ngành chăn nuôi. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng; xây dựng và áp dụng các phần mềm để đảm bảo cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, sản xuất các loại chế phẩm sinh học làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sử dụng hiệu quả các nguyên phụ liệu có sẵn tại địa phương.

Bảo Minh (tổng hợp)

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác