Nông nghiệp

TP. Hồ Chí Minh: Đầu tư xây dựng hàng trăm công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 08:06 18/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – UBND TP. Hồ Chí Minh (HCM) vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện phương án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo kế hoạch, TP. HCM tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi theo từng tiểu vùng nhằm phát huy tối đa hiệu quả công trình phục vụ nhu cầu cấp nước, tiêu nước cho từng tiểu vùng, bao gồm: Cấp nước tưới cho 22.944ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trong đó có 13.420ha diện tích đất trồng cây hàng năm, 8.014ha diện tích đất trồng cây lâu năm, 1.139ha diện tích đất sản xuất muối và 5.337ha diện tích đất nuôi thủy sản; tiêu thoát nước cho diện tích trên 70.000 ha.

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ và sự cần thiết, mức độ ưu tiên đầu tư, kế hoạch triển khai thực hiện phương án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP. HCM phân làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 2024 - 2025, thực hiện đầu tư 185 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí là 4.102 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, thực hiện đầu tư 226 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí là 10.680 tỷ đồng. Giai đoạn 2031 - 2045, thực hiện đầu tư 270 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí là 11.723 tỷ đồng. 

TP. HCM sẽ đầu tư hàng trăm công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: ĐVCC
 

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác, vận hành hạ tầng thủy lợi và công trình phòng, chống thiên tai có hiệu quả: Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuỷ lợi trên nền thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi; đồng thời, làm cơ sở tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của TP.

Đồng thời, triển khai nghiên cứu, phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm tự động hóa trong công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi; sử dụng nước tiết kiệm, an toàn, tuần hoàn, tái sử dụng nước, tăng năng suất sử dụng nước; quản lý hiệu quả nhu cầu sử dụng nước trong các ngành kinh tế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên diện rộng; phân tích, dự báo, cảnh báo và giám sát, kiểm soát chất lượng nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi; nâng cao mức đảm bảo an toàn công trình, cảnh báo thiên tai.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vật liệu trong thiết kế, xây dựng công trình thủy lợi và công trình phòng, chống thiên tai, thân thiện, bền vững với môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác