Triển vọng phát triển nông nghiệp tuần hoàn gắn với chuyển đổi số
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) được Hội đồng Quản trị Liên minh VBF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phối hợp tổ chức chiều 18/2 tại Hà Nội, nhóm công tác về lĩnh vực nông nghiệp của VBF đã báo cáo về thực trạng, những vấn đề bất cập và triển vọng phát triển của ngành này trong thời gian tới.
Phát triển mạnh nông nghiệp tuần hoàn
Ông David Whitehead, Trưởng nhóm công tác nông nghiệp nhận định trong năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cần được đổi mới. Nhà nông quy mô lớn hiện đại cần phải trở thành một nhà đầu tư kinh doanh nông nghiệp.
Ở văn phòng có thể kiểm tra thông tin thông qua các cảm biến và công nghệ tiên tiến để theo dõi trữ lượng, tốc độ tăng trưởng, việc sử dụng nước, phân bón, quản lý thức ăn và những tác động đến môi trường từ mọi hoạt động sản xuất...
Những ý tưởng mới, khái niệm sản xuất thông minh, mô hình canh tác mới, việc số hóa, logistics hiệu quả hơn và tập trung hơn vào nông nghiệp tuần hoàn cũng như trách nhiệm với môi trường sẽ được chú trọng trong năm nay.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh ngành sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu chất thải và tác động môi trường, nâng cao năng suất và rút ngắn chuỗi cung ứng.
Nông nghiệp tuần hoàn sẽ là chìa khóa để quản lý hiệu quả các tài nguyên nông nghiệp thông qua tập trung giảm thiểu việc sử dụng các yếu tố đầu vào bên ngoài, khép kín vòng dinh dưỡng, tái tạo đất và giảm thiểu tác động đến môi trường.
Nếu được thực hiện trên diện rộng, nông nghiệp tuần hoàn có thể giảm bớt nhu cầu về tài nguyên và tác động sinh thái của ngành nông nghiệp.
Hiện nay, trên thế giới, các phương pháp canh tác hiện đại đang tác động đến tự nhiên, sức khỏe con người và hoạt động sản xuất lương thực. Nông nghiệp tuần hoàn, còn được gọi là nông nghiệp khép kín, là một phương thức canh tác không những không làm tổn hại mà còn đem lại lợi ích cho tự nhiên. Đôi khi các ứng dụng mới trong nông nghiệp lại bắt nguồn ngay từ kiến thức truyền thống hoặc kinh nghiệm làm nông.
Nông nghiệp tuần hoàn được thực hiện dựa trên kiến thức truyền thống sẽ không làm chúng ta tụt hậu. Ngược lại, các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, kỹ thuật số hóa bao gồm sử dụng robot và canh tác chính xác sử dụng dữ liệu vệ tinh và máy bay không người lái cũng sẽ đóng vai trò quan trọng các trang trại của tương lai.
Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sẽ ưu tiên vào quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước, giảm thiểu ảnh hưởng của hạn mặn, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời, giám sát biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu với các hình thái thời tiết; phát triển các hệ thống nông nghiệp thông minh thông qua chuyển đổi số; theo dõi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm sạch và hợp vệ sinh.
Bộ tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu và nâng cao trách nhiệm xã hội và môi trường của các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài và tập trung vào các hoạt động nông nghiệp bền vững.
Ông David Whitehead cũng bày tỏ sự ủng hộ những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam khi tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
Ngành nông nghiệp kém phát triển không chỉ có sản lượng thu hoạch kém, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và các mô hình tiêu dùng không lành mạnh mà còn liên quan đến nghèo đói, bất ổn xã hội và dòng người di cư tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ngược lại, nếu đạt được nền nông nghiệp bền vững có thể giúp thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững như xóa đói giảm nghèo, cải thiện dinh dưỡng và điều kiện sống cũng như nâng cao thu nhập của người dân.
Ứng dụng công nghệ trong chế biến
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 2,8% và kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD. Phát triển lĩnh vực chế biến là một giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm, do đó tăng thu nhập xuất khẩu. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Chính phủ là lọt vào top 15 quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến và top 10 với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại.
Thực tế, những nỗ lực hiện đại hóa và thúc đẩy hơn nữa ứng dụng công nghệ trong chế biến sau thu hoạch đã dẫn đến sự gia tăng từ 5-7% giá trị gia tăng hằng năm của ngành nông nghiệp, đẩy kim ngạch xuất khẩu trung bình tăng 8% đến 10% mỗi năm.
Một trong những định hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là phát triển nông nghiệp trên cơ sở chuyển đổi số và liên kết thị trường trong nước và quốc tế.
Để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực; trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Với yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, nông nghiệp Việt Nam phải nâng cao sức cạnh tranh và thích ứng với điều kiện mới bằng cách ứng dụng công nghệ thông minh vào hoạt động sản xuất.
Hiện nay, với 3 thách thức là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu thế tiêu dùng thế giới thì nông nghiệp Việt Nam cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh để tạo ra bước ngoặt trong thực hành nông nghiệp trên cả nước, chuyển từ giai đoạn sản xuất nông nghiệp là chính sang kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Đại dịch COVID-19 vừa là khó khăn, thách thức, vừa là cơ hội để ngành nông nghiệp và người dân thay đổi tư duy quản lý, sản xuất theo công nghệ công nghiệp 4.0.
Đây là cơ hội để các nhà đầu tư kinh doanh nông nghiệp nước ngoài đóng vai trò dẫn dắt về công nghệ và phương thức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thông minh, đồng thời nâng cao lợi ích từ kiểm soát chất thải và ô nhiễm cũng như sử dụng và quản lý nguồn nước.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ giúp khôi phục khả năng tiếp cận các chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu, nâng cao hiệu quả của các hệ thống nông nghiệp tuần hoàn và tăng cường mức đầu tư.
Năm 2021, ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhiều mặt hàng cả về lượng và giá trị. Trong 10 tháng năm 2021, giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 38,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, sát với mục tiêu 44 tỷ USD.
Chính phủ đã đặt mục tiêu khôi phục phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể tiếp tục gặp khó khăn nếu tình hình đại dịch không được kiểm soát.
Phát triển nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do tác động từ các lĩnh vực khác: dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn...
Các vấn đề khác bao gồm: sự phục hồi chậm của chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, thiếu nguồn lao động và ùn ứ trong vận chuyển nông, lâm, thủy sản tại các cảng và trung tâm phân phối. Nhiều doanh nghiệp chế biến, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cũng đang thiếu vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh.
Những doanh nghiệp khác không thể duy trì mức độ sản xuất. Chi phí vận chuyển tăng với một số tuyến vận chuyển, cộng với giá thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng, cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản, chi phí xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu tiếp tục tăng so với thời điểm trước đại dịch, tạo áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và nước ngoài.
Có thể khẳng định, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có sự tăng trưởng tốt hơn hầu hết các ngành sản xuất và chế biến chế tạo dưới tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và những hệ quả về hình thái thời tiết có tác động ngày càng lớn, làm gia tăng tình trạng nhiễm mặn. Vì vậy, ngành nông nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm nông nghiệp thông minh, để tăng cường quản lý nguồn nước, thức ăn, phân bón và chất thải.
Cùng với việc công nhận tầm quan trọng và đóng góp của nông dân địa phương và nông nghiệp tuần hoàn, cần chuyển dịch mạnh mẽ hơn sang các hoạt động canh tác quy mô lớn hơn - cải thiện quản lý chất lượng; giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng và nâng cao tính hiệu quả, đảm bảo sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng cũng như kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Nhóm công tác cũng khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường năng lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng không chỉ để ngành nông nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn thúc đẩy lưu thông hiệu quả hàng hóa và nguyên vật liệu trong nước, giữa các tỉnh với đầu mối và trung tâm phân phối.
Khi đó, sản phẩm nông, lâm, thủy sản có xuất xứ Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để nâng cao tính cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế và có thể đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và kiểm dịch thực vật, bao gồm tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc và đóng gói./.
Theo Vietnam +
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi