Trở thành tỷ phú nhờ được học nghề
Sau học nghề, nhiều nông dân tỉnh Thái Bình đã áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả tại địa phương.
Nhiều mô hình hiệu quả
Ông Hoàng Công Điền ở xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ là một trong những hộ đầu tiên nuôi gà trên cát và có quy mô nuôi gà lớn nhất xã. Bình quân, mỗi năm ông Điền nuôi 80.000 con gà ri lai, chia làm 3 lứa/năm, mỗi lứa nuôi 25.000 – 30.000 con. Với cách nuôi gà sáng tạo là cho đàn gà tắm nắng, “chạy bộ” trên cát, ông Điền có doanh thu hơn 7 tỷ đồng/năm, trừ chi phí còn lãi 500 triệu
Ông Điền kể, từ đầu những năm 2000, ông đã quan tâm đến nghề chăn nuôi gà, nhưng thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên ông không nuôi nhiều. Sau khóa học lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y do Hội Nông dân (ND) xã tổ chức, ông đã nắm được nhiều kiến thức cơ bản trong chăn nuôi gia cầm, như cách mổ gia cầm để chẩn đoán một số bệnh cầu trùng, đầu đen, hen… qua quan sát nội tạng.
Từ những kiến thức được học, ông Điền chăn nuôi gà ngày càng mát tay, lời lãi từ lứa gà này ông lại dành để mở rộng quy mô lứa gà sau. Đến nay, ông Điền đã đầu tư hoàn thiện xây dựng 5 lán chăn nuôi với 60 ô chuồng, tổng diện tích 2.600m2, mỗi năm nuôi 3 lứa được 80.000 con gà.
Để tránh gà bị dịch bệnh và phát triển tốt, màu sắc đẹp, ông Điền sử dụng trấu trộn với chế phẩm sinh học (men vi sinh EM) làm chất độn chuồng; lớp cát trên sân chơi cho gà cũng được xử lý bằng vôi bột kết hợp men vi sinh EM; tiêm vaccine đầy đủ và thường xuyên lấy mẫu kiểm tra phát hiện sớm bệnh trên đàn gà.
“Nuôi gà trên sân cát có rất nhiều lợi ích. Do cát thoát nước nhanh nên mặt sân luôn khô ráo, sạch sẽ. Ngoài ra, khi phân gà thải ra, cát sẽ hút hết nước nên không gây mất vệ sinh. Vào mùa Hè, cát nóng là điều kiện thuận lợi để tiêu diệt mọi mầm bệnh. Cát là sân chơi cho gà kiếm ăn và vận động, giúp cơ bắp, thịt của gà rắn chắc, ngon và được giá cao hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/kg so với các loại gà ta khác” – ông Điền cho biết.
Ông Lê Đăng Điều – Chủ tịch Hội ND xã Quỳnh Lâm cho biết: “Mô hình trang trại nuôi gà trên cát của ông Hoàng Công Điền vừa có quy mô lớn, xa khu dân cư, vừa áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật nên cho thu nhập cao. Điều đáng nói, mô hình này đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của hộ chăn nuôi, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững”.
Không những áp dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông Điền còn tích cực liên kết với các doanh nghiệp (Công ty Thức ăn chăn nuôi, Công ty Thuốc thú y), các nhà khoa học và các trang trại gia cầm lớn trong và ngoài nước nhằm trao đổi thông tin về dịch bệnh, phương pháp xử lý dịch bệnh, thông tin giá cả thị trường và chủ động đầu ra cho sản phẩm của trang trại.
Từ những lần tham qua, tham gia các lớp tập huấn KHKT, gia đình anh Vũ Đình Phiên ở Giáo xứ Sa Cát (phường Hoàng Diệu, TP.Thái Bình) đã mạnh dạn cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đào cảnh. Với diện tích vườn đào rộng 2.200m2, hiện nay, gia đình anh Phiên trồng 500 cây đào cảnh.
Không chỉ vậy, với đầu óc nhạy bén, nắm bắt được thị hiếu của người chơi cây cảnh, anh Phiên đã đầu tư mua gần 120 cây đào rừng với đủ chủng loại như đào bích, đào phai… được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tết Nguyên đán hàng năm, đào cảnh của gia đình anh không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh mà còn có nhiều thương lái đến thu mua mang đi phục vụ thị trường trong cả nước. Từ trồng đào cảnh, mỗi năm gia đình anh Phiên thu nhập bình quân từ 150 – 400 triệu đồng.
Ông Trần Văn Chỉnh – Chủ tịch Hội ND phường Hoàng Diệu cho biết: Hiện trên địa bàn phường Hoàng Diệu, TP.Thái Bình có đến 116 hộ trồng đào cảnh và các loại cây cảnh khác với hàng trăm héc ta, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 100 – 500 triệu đồng/năm. Từ trồng đào cảnh, không chỉ gia đình anh Phiên mà nhiều hộ khác trong vùng đã xây được nhà tầng khang trang, sắm sửa đầy đủ các phương tiện phục vụ đời sống.
Hỗ trợ nông dân sau học nghề
Trên đây là những hội viên, nông dân điển hình được Hội ND tỉnh Thái Bình đào tạo, dạy nghề, tư vấn và định hướng để phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.
Bà Bùi Thị Nga – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình cho biết: Trong những năm qua, các cấp Hội ND trong toàn tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh đào tạo nghề, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho hội viên, ND. Cụ thể, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố và các cấp Hội cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với từng huyện, xã để phối hợp, tổ chức dạy nghề cho hội viên.
Các học viên tham gia lớp dạy nghề được tiếp thu những kiến thức theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và hướng dẫn thực hành của giảng viên. Trong năm vừa qua, các cấp Hội ND trong tỉnh đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 115 lớp dạy nghề cho trên 3.800 hội viên. Hội viên ND sau học nghề đã có gần 1.300 người có việc làm.
Song song với đó, khi hội viên, ND bắt tay vào thực hiện phát triển kinh tế từ lớp đào tạo nghề, các cấp Hội ND thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ ND phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, các cấp Hội ND từ tỉnh tới cơ sở đã tổ chức 84 cuộc hội thảo, tham quan học tập mô hình cho gần 8.000 lượt hội viên; mở 2.162 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho hơn 181.000 lượt hội viên, ND.
Trong năm vừa qua, các cấp Hội ND trong tỉnh đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 115 lớp dạy nghề cho trên 3.800 hội viên. Hội viên nông dân sau học nghề đã có gần 1.300 người có việc làm.
Hải Tú