Từ 15/8, Bộ Y tế áp dụng khung giá mới với bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu
Đây là mức khung giá mới áp dụng với bệnh viện công được quy định trong Thông tư 13 của Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực từ 15/8/2023 về quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Thông tư này quy định khung giá khám của 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu.
Theo lý giải của Bộ Y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu áp dụng cho người tự nguyện đăng ký sử dụng. Vì vậy, việc quy định giá này không ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế; người không có thẻ bảo hiểm y tế không đăng ký khám tự nguyện.
Về khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu, Thông tư phân định rõ với các cơ sở khám chữa bệnh hạng đặc biệt, hạng 1 có mức tối thiểu 100.000 đồng/lượt và tối đa 500.000 đồng/lượt. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh khác giá tối thiểu 30.500 đồng và tối đa 300.000 đồng/lượt.
Trường hợp mời bác sĩ trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.
Đối với ngày giường điều trị nội trú theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế), đối với loại phòng 1 giường giá tối đa 4 triệu đồng/ngày; loại phòng 2 giường tối đa 3 triệu/ngày; loại phòng 3 giường tối đa 2,4 triệu/ngày; loại phòng 4 giường tối đa 1 triệu đồng.
Mặc dù hoạt động khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, mỗi bệnh viện vẫn đang áp dụng các mức giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu rất khác nhau do chưa có khung giá chung từ Bộ Y tế.
Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành thông tư liên quan quy định khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Năm 2019, Bộ Y tế xây dựng một dự thảo tương tự, với giá giường bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một tối đa 4 triệu đồng/ngày, giá khám cao nhất 500.000 đồng/lần; các cơ sở y tế khác giá không quá 400.000 đồng/lần.
Tuy nhiên, khi ấy, theo đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, mức tăng sẽ ảnh hưởng tới giá chỉ số tiêu dùng nên Chính phủ không phê duyệt khung giá này. Sau đó, khung giá tiếp tục bị hoãn ban hành do COVID-19 bùng phát và Chính phủ yêu cầu không tăng giá dịch vụ y tế.
Tháng 6/2023, Chính phủ cho phép tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế, gồm giá bảo hiểm và không bảo hiểm, giá khám theo yêu cầu. Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính xây dựng phương án giá phù hợp với mức đóng và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Theo VOV
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica