Tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng phân, thuốc để sản xuất hiệu quả
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Hè Thu 2022, tổng diện tích lúa xuống giống toàn vùng Nam Bộ là hơn 1,5 triệu hecta, giảm 20.000ha, do chuyển đổi sang trồng cây rau màu hàng năm, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng suất lúa ước đạt hơn 57 tạ/ha, sản lượng ước đạt 9 triệu tấn, giảm 13.000 tấn so vụ Hè Thu 2021. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống lúa đạt gần 1, 5 triệu hecta, năng suất lúa ước đạt hơn 57 tạ/ha, sản lượng ước đạt 8,5 triệu tấn; vùng Đông Nam Bộ xuống giống lúa đạt 82.000ha, năng suất ước đạt hơn 56 tạ/ha, sản lượng đạt 465.000 tấn.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Để có được kết quả này là do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị trực thuộc bộ và địa phương đã thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo về tình hình sinh vật gây hại cây trồng; chất lượng nước phục vụ tưới tiêu được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời. Mùa mưa đến sớm, ảnh hưởng hạn, mặn giảm so với các năm trước nên vụ sản xuất này tương đối thuận lợi cho việc xuống giống.
Ở nhiều nơi, bà con chủ động sử dụng giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường cũng như đẩy mạnh sử dụng giống xác nhận, ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã, chống chịu khô hạn. Theo báo cáo từ các địa phương, trong vụ Hè Thu này tỷ lệ sử dụng giống nguyên chủng là 0,25 %, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận là 77,3%. Vụ Hè Thu 2022 tuy giá phân bón và vật tư đầu vào tăng cao nhưng do bà con nông dân thực hiện giảm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệc thực vật… nên vẫn bảo đảm mức lợi nhuận.
Nhằm bảo đảm sản xuất lúa đạt kết quả tốt, Cục Trồng trọt lưu ý các địa phương có diện tích ở những vùng ngập sâu trong vụ thu đông cần xuống giống vào cuối tháng 6 nửa đầu tháng 7 và kết thúc vào ngày 20/8; vùng ngập nông, không bị ảnh hưởng của ngập, lũ, do vậy thời vụ xuống giống vào đầu tháng 7 kết thúc ngày 10/8; đối với vùng ven biển kết thúc xuống giống vào ngày 30/8.
Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến cáo nhân dân sử dụng giống lúa chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã trong vụ sản xuất này; chủ động công tác phòng trừ dịch hại và điều hành sản xuất, tiêu thụ lúa, từng bước đưa sản xuất, thâm canh, tiêu thụ lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đạt hiệu quả cao và bền vững.
Tại Hội nghị, bà Hồ Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: Đến thời điểm này tại Long An người dân bỏ hoang hàng ngàn hécta đất trồng lúa trong vụ Hè Thu vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao. Mặc dù đạt kế hoạch Hè Thu 2022 nhưng so với cùng kỳ 2021 thì diện tích lúa tại Long An giảm. Nguyên nhân chính do người dân trồng lúa không có lợi nhuận. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các tỉnh thành phải bắt tay xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả lộng hành gây nhiều bức xúc cho nông dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Giá phân bón hiện nay rất cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bà con nông dân đã giảm được phân bón, thuốc rất nhiều để giảm chi phí sản xuất rất lớn nên ít sâu bệnh, ít phun thuốc hơn. Nhờ giảm chi phí kịp thời mà nông dân trong vụ này chắc chắn có chi phí rất thấp hơn so với các năm trước. Do đó, các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng phân, thuốc để tiết kiệm sản xuất hiệu quả hơn.
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi