Phong trào nông dân

Ứng dụng chế phẩm sinh học, đưa nhãn “idor” Châu Thành bay xa

Minh Ngọc - 15:24 26/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Được hỗ trợ cây giống cùng phân bón, chế phẩm sinh học… 15 hộ trồng nhãn ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp không dấu được vui mừng. Họ cho biết, khi tham gia dự án sẽ nâng cao kiến thức canh tác, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, từ đó đưa trái nhãn Đồng Tháp “bay xa” hơn.
TIN LIÊN QUAN

Nâng cao giá trị “nhãn idor”

Mới đây, tại xã An Nhơn (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp), Văn phòng Phát triển bền vững – T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình tập huấn kỹ thuật và bàn giao cây giống, vật tư xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây nhãn theo hướng an toàn sinh học cho nông dân năm 2024.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp, nhãn được xem là một trong những ngành hàng chủ lực, thế mạnh của huyện Châu Thành trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Năm 2016, nhãn Châu Thành (nhãn idor) được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.

Những cây nhãn giống đã về tới từng khu vườn của nông dân huyện Châu Thành.

Hiện nay, huyện Châu Thành có diện tích nhãn trên 2.670ha, sản lượng ước tính khoảng 50.000 tấn/năm. Trong đó, có gần 130ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn 670ha được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính (Mỹ, Úc, châu Âu...) và Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Trưởng Ban Kinh tế - xã hội (Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp) cho biết, hiện nay, một bộ phận nông dân vẫn còn theo tập quán canh tác cũ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, mỗi nhà vườn có cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khác nhau, dẫn đến việc cùng một loại trái cây nhưng chất lượng không đồng nhất và chưa đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp thu mua, nhất là thu mua để xuất khẩu. Cùng với đó là giá vật tư nông nghiệp có xu hướng tăng ngày càng cao, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị kinh tế của cây nhãn ở huyện Châu Thành và thu nhập của người trồng nhãn.

“Xuất phát từ thực tế trên, Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đề xuất T.Ư Hội Nông dân Việt Nam triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây nhãn theo hướng an toàn sinh học tại xã An Nhơn” - bà Hạnh cho hay.

Theo đó, dự án triển khai tại xã An Nhơn trên diện tích 8ha, với sự tham gia của 15 hộ. Khi tham gia mô hình, nông dân sẽ được chuyển giao kỹ thuật ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây nhãn theo hướng an toàn sinh học; được hỗ trợ về giống và vật tư như cây giống nhãn, phân hữu cơ sinh học, thuốc bảo vệ thực vật và chế phẩm sinh học.

Theo bà Hạnh, dự án sẽ góp phần xây dựng và phát triển vùng sản xuất nhãn tập trung, gắn với đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ vi sinh, đảm bảo chất lượng trái nhãn tươi đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Hướng đến sản xuất nhãn an toàn

Tại buổi lễ bàn giao cây giống và vật tư, nông dân đã được các chuyên gia hướng dẫn cách sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây nhãn theo hướng an toàn sinh học; xử lý sau thu hoạch, bảo quản nông sản, cách thức sử dụng chế phẩm vi sinh phòng trừ dịch hại, hướng dẫn cách tận dụng các phế phẩm nông sản để phòng trừ dịch hại…

Ông Phan Văn Thắng (ở ấp Tân Hòa, xã An Nhơn), nông dân tham gia dự án với 7.000m2, chia sẻ: “Nhãn Châu Thành vẫn là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế địa phương. Với người dân Châu Thành, nhãn không chỉ là sản vật đặc trưng mà còn là niềm tự hào của quê hương... Việc được hướng dẫn sử dụng  phân hữu cơ sinh học cũng như phương pháp canh tác sử dụng chế phẩm vi sinh sẽ giúp trái nhãn phát triển tốt, tăng chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường”.

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây nhãn đã được người nông dân đón nhận và bước đầu được sử dụng hiệu quả.

Tham gia dự án với diện tích 6.000m2, ông Phạm Văn Nhựt Trí (ở ấp Tân An, xã An Nhơn) cho biết, qua gần 20 năm gắn bó với nhãn có thể khẳng định, trên vùng đất cồn này, nhãn vẫn là cây trồng chủ lực, mang lại kinh tế cao cho nhà vườn. Đặc biệt, nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, trái nhãn đạt chất lượng cao nên thị trường tiêu thụ tốt.

Tuy nhiên, trên thực tế còn một số hộ vẫn canh tác theo tập quán sản xuất truyền thống, lạm dụng phân bón và thuốc hóa học, điều này ảnh hưởng đến chất lượng đất cũng như chất lượng sản phẩm. “Dự án này sẽ giúp chúng tôi có kiến thức trong sản xuất nông nghiệp xanh, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường. Sau buổi tập huấn và chuyển giao kỹ thuật này, chúng tôi có thể tự tin ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cho mảnh vườn, thửa ruộng của mình” - ông Trí bày tỏ.

Dịp này, Văn phòng Phát triển bền vững – T.Ư Hội Nông dân Việt Nam bàn giao cho 15 hộ tại xã An Nhơn gần 2.000 cây nhãn giống, hơn 800kg phân bón (phân đạm, lân, kali), 12 tấn phân bón hữu cơ sinh học, 15kg chế phẩm sinh học và thuốc diệt nấm, thuốc trừ sâu đặc trị rệp sáp.

"15 hội viên nông dân được lựa chọn tham gia dự án đều là hộ nòng cốt, có kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất, trồng nhãn ở xã An Nhơn. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây nhãn sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, liên kết đầu ra ổn định cho sản phẩm nhãn".

 Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Trưởng Ban Kinh tế xã hội (Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp).

Tin cùng chuyên mục
Tin khác