Mưa lớn ở Bắc Bộ: Các địa phương chủ động các biện pháp ứng phó
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 28/7 đến 31/7, khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to; trong đó khu vực vùng núi và trung du lượng mưa phổ biến từ 70-200mm, cục bộ có nơi trên 250mm, khu vực đồng bằng có lượng mưa từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, ngày 26/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành văn bản số 5378/BNN-ĐĐ gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ.
Trong đó đề nghị, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực này triển khai việc huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua; theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Các địa phương khu vực nêu trên tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng phương án phòng, chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động; kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản; sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của mưa lớn đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó; đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Tập trung khắc phục hậu quả thiên tai
Theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, mưa lớn kèm gió mạnh đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương trong 2 ngày 25-26/7.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đã gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh Điện Biên làm 2 người chết, 5 người đang mất tích ở huyện Điện Biên (do lũ quét), 4 người bị thương; 139 nhà bị đổ sập, cuốn trôi, ảnh hưởng ở các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Nậm Pồ; 46,03ha lúa bị vùi lấp, cuốn trôi; 3,4ha ngô, rau màu bị thiệt hại...
Cùng với đó, trên địa bàn các huyện Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Điện Biên, nhiều tuyến đường, cầu, cống bị sạt lở, đổ sập. Đáng lưu ý, tại huyện Điện Biên có nhiều vị trí sụt sạt taluy dương, bùn, đất, đá trôi chảy tràn mặt đường gây ùn tắc cục bộ; một số đoạn tuyến sụt sạt lớn lấp tắc toàn bộ nền, mặt đường như đoạn km169+200-km169+600, km172+200-km172+700...; khối lượng bùn, đất đá tràn mặt đường trong phạm vi nền đường ước khoảng 30.000m3.
Đặc biệt, đoạn tuyến km170+730-km170+780 bị xói trôi toàn bộ nền, mặt đường, chiều dài khoảng 50 m, nền đường xói sâu khoảng 4-5m... Ước tổng thiệt hại khoảng 32,6 tỷ đồng.
Tại tỉnh Hậu Giang, mưa to kèm dông lốc rạng sáng 26/7 đã làm 32 căn nhà bị sập và tốc mái tại các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Tường thuộc huyện Vị Thủy. Ước tính thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng.
Mưa lớn kèm theo lốc tại xã Vĩnh Trạch (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã làm hư hại 5 căn nhà dân và gãy đổ trụ thu phát sóng tại ấp Vĩnh An và ấp Kim Cấu (xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu).
Tại tỉnh Bình Phước, mưa kèm theo gió giật mạnh làm hàng loạt trụ điện trên đường ĐT.741 bị gãy, đổ. Sự cố xảy ra làm gián đoạn cung cấp điện trên diện rộng tại huyện Phú Riềng và một phần thị xã Phước Long.
Mưa to kèm theo lốc xoáy vào ngày 26/7 tại các xã Khánh Tiến và Khánh Hòa thuộc huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã làm sập 8 căn nhà, tốc mái 13 căn nhà khác, ước tính thiệt hại trị giá trên 1,2 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 25/7, ở huyện Đầm Dơi liên tiếp xảy ra 6 vụ sạt lở đất ven sông làm tài sản, diện tích sản xuất, nuôi trồng thủy sản của các hộ dân tại các xã Ngọc Chánh, Thanh Tùng, Tân Dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng đã đến thăm hỏi, động viên những gia đình có người chết, mất tích và bị thương; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và cuộc sống. Hiện, tỉnh Điện Biên đã và đang huy động các lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở xã Mường Pồn.
Huyện Điện Biên rà soát, khẩn trương di dời các hộ đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên huy động hàng chục máy xúc cùng hàng trăm nhân công làm việc liên tục nỗ lực thông tuyến Quốc lộ 12, đoạn qua xã Mường Pồn trong thời gian nhanh nhất...
Công ty Điện lực Bình Phước đã điều động lực lượng tại Điện lực Bù Gia Mập, Phú Riềng, Phước Long và Đội Hotline xử lý và khắc phục hoàn toàn sự cố mất điện tại huyện Phú Riềng và thị xã Phước Long./.
Theo Việt Nam +