Diễn đàn

Vai trò của Hội Nông dân trong đào tạo nghề cho nông dân

Hải Quỳnh (thực hiện) - 07:06 28/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Một bộ phận nông dân sau học nghề đã “khởi nghiệp” làm nòng cốt để thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, chi, tổ Hội ND nghề nghiệp, từ đó góp phần phát triển kinh tế tập thể, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ về vai trò của Hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Tạp chí Nông thôn mới đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội ND Việt Nam xoay quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN (thứ 3 từ phải sang)  thăm mô hình trồng sầu riêng tại tỉnh Đăk Lăk.

Thưa đồng chí Phó Chủ tịch, theo ước tính, hiện cả nước có hơn 8,56 triệu hộ nông dân sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, đây là lực lượng lao động đông đảo ở khu vực nông thôn. Đồng chí đánh giá thế nào về năng lực, kỹ năng, tay nghề của người nông dân hiện nay? 

Trong những năm qua, chất lượng nguồn lao động nông thôn đã được cải thiện nhiều, có đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Tuy nhiên, quy mô nguồn lao động khu vực nông thôn rất lớn, nhưng chất lượng lao động còn thấp và còn có sự khác biệt giữa các vùng miền. Ở khu vực nông thôn, tuy trình độ học vấn của lực lượng lao động ngày càng được nâng lên, nhưng trình độ và kỹ năng nghề vẫn còn thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị. Thực tế hiện nay đang tồn tại tình trạng thừa lao động phổ thông, thiếu lao động kĩ thuật. 

Trước hết, về năng lực lao động, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng”, nếu tận dụng tốt có thể đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng đầu tư vào xã hội. Việc phát huy được lợi thế “lao động vàng” trong điều kiện chất lượng lao động còn thấp như hiện nay là một một vấn đề rất khó thực hiện trên thực tế. Quyết định số 1956/QĐ - TTg, ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” đã nêu rõ mục tiêu 70% lao động nông thôn được qua đào tạo. Tuy nhiên, số liệu thực tế năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ mới có 24,1% lao động nông thôn đã qua đào tạo có bằng và chứng chỉ sơ cấp trở lên. Lực lượng lao động nông thôn phần lớn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hầu hết lao động nông thôn được tuyển dụng để làm việc trong các ngành phi nông nghiệp vẫn phải đào tạo lại, thậm chí nhiều lao động phải làm trái ngành nghề do đào tạo chưa sát với nhu cầu của thị trường.

Tại khu vực nông thôn nước ta hiện nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp là chính, lao động theo thời vụ, ngành nghề phát triển chậm, nhiều người thiếu việc làm, phải đi tìm việc ở các đô thị và khu vực tập trung công nghiệp. Theo dự báo, trong thời gian tới ở khu vực nông thôn sẽ có hàng triệu người thiếu việc làm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp đang là một thách thức lớn. Vấn đề này nếu không được giải quyết tốt sẽ cản trở đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Về trình độ, phần lớn lao động nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề của tư duy sản xuất nhỏ, manh mún, mang nặng tác phong của một nền sản xuất nông nghiệp tiểu nông. Tính chuyên nghiệp và kỷ luật lao động của lao động nông thôn còn rất hạn chế; một bộ phận đáng kể chưa nhận thức đầy đủ về kỷ luật lao động, việc tuân thủ các quy định, quy trình công nghiệp còn thấp. Đây là một trong những khó khăn khi một bộ phận không nhỏ lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp, đặc biệt là sang các ngành nghề đòi hỏi tính quy chuẩn cao.

Trước thực trạng của lực lượng lao động nông thôn như vậy, các cấp Hội Nông dân có vai trò như thế nào trong việc đào tạo nghề cho họ, thưa Phó Chủ tịch?

Trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, Đảng ta đã phát huy sức mạnh to lớn của nông dân, xây dựng nông thôn, miền núi thành căn cứ địa và chỗ dựa vững chắc cho các cuộc kháng chiến. Ngày nay, trong công cuộc Đổi mới, nông thôn vẫn là một địa bàn trọng yếu, cần phải tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc đang đặt ra, trong đó việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn là một yêu cầu cấp thiết. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thể hiện rõ quan điểm của Đảng ta về thực hiện công bằng xã hội, xây dựng và phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp đổi mới đất nước.    

Trong những năm qua, Hội NDVN đã tích cực tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đã đạt được những kết quả quan trọng; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và phân công lại lao động ở khu vực nông thôn; có đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, nâng cao hiệu quả lao động cho hội viên, nông dân. Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam đã đề ra giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được phân công đối với Hội Nông dân Việt Nam tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg và Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trong đó nhấn mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội... 

Trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Hội NDVN sẽ bám sát  tinh thần Nghị quyết Đại hội VIII Hội NDVN và Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị... Từ các cơ sở đó, Trung ương Hội đã hướng dẫn Hội Nông dân các tỉnh, thành phố xây dựng các Nghị quyết, Đề án, Chương trình, Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn. 

Ban Thường vụ Trung ương Hội thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch hàng năm về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề nông nghiệp, đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nhân lực cho các làng nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Các đơn vị có chức năng giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống Hội vừa trực tiếp đào tạo nghề vừa tổ chức các hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp để đào tạo nghề cho hội viên, nông dân có nhu cầu học nghề tại các địa bàn nông thôn. 

Đến nay, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức hội nghị quán triệt nhiệm vụ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn theo tinh thần chỉ đạo của BTV Trung ương Hội tới cán bộ Hội chủ chốt các cấp; tổ chức tập huấn đối với cán bộ Hội cấp huyện, xã nhằm thay đổi căn bản nhận thức của cán bộ về mục đích, ý nghĩa của đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong tình hình mới; hướng dẫn, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Hướng dẫn nông dân thực hành làm đất trồng hoa màu ở xã Đông Minh (Yên Minh, Hà Giang). Ảnh: L.N

Thưa đồng chí Phó Chủ tịch, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân có những giải pháp nào để đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về trình độ, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của thị trường?

Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện, khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao năng lực gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; mở rộng hoạt động tư vấn về nghề nghiệp, việc làm, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh; phát huy vai trò của các trường, trung tâm thuộc Hội Nông dân trong xây dựng, chuyển giao mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân.

Các cấp Hội cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nhóm nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, là hạt nhân thúc đẩy quá trình “tri thức hoá nông dân”; giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong truyền nghề, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ nông dân; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; tổ chức tốt hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ sở sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao gắn với quy trình sản xuất an toàn, tiên tiến; phát triển sản xuất gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; có cơ chế để Hội Nông dân tham gia cung cấp một số dịch vụ công hỗ trợ cho hội viên, nông dân; xây dựng chỉ số đánh giá làm cơ sở để tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia đánh giá chất lượng dịch vụ, vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân; mở rộng mô hình hội nông dân tín chấp cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kết nối thị trường, đa dạng hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản, hàng hoá, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký, bảo hộ thương hiệu, chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; phổ biến, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân.

Hội Nông dân tiếp tục thực hiện tốt vai trò “cầu nối” liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước; phối hợp với tổ chức, cá nhân hỗ trợ nông dân trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới, nhất là giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, chuyển đổi số, nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị; vận động hội viên, nông dân tích tụ đất nông nghiệp, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tổ chức sản xuất quy mô lớn.

Trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch!

Hai giai đoạn (2012 - 2014) và (2015 - 2017), trong khuôn khổ Dự án Hợp tác giữa Hội Nông dân Đức (DBV) và Hội NDVN trong lĩnh vực dạy nghề, với mục tiêu đào tạo và bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp cho những người nông dân sống chủ yếu bằng nghề nông, nông dân trẻ, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ Hội NDVN, nhất là cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề, đồng thời, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ cho nông dân, Trung ương Hội đã tổ chức 15 đoàn với 146 đại biểu sang học tập, nghiên cứu tại Đức, trong đó có 67 lãnh đạo các ban, đơn vị Trung ương Hội và Hội ND các tỉnh, thành phố, 57 cán bộ Trung tâm Dạy nghề và 22 nông dân đi học tập kinh nghiệm tại Đức”.

(Nguồn: Trung ương Hội NDVN)
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác